Tự do nhưng phải chịu rủi ro

ANTĐ - Freelance (việc làm tự do) đang trở thành trào lưu của những người trẻ tự tin vào năng lực bản thân, không chịu gò bó thời gian. Tuy nhiên, đây cũng là một công việc không hề “ngon ăn” như nhiều người nghĩ, bởi nó vẫn có những rủi ro nhất định…

Mình làm cho mình

Freelance cho phép bạn làm việc theo nhóm và không bó hẹp thời gian (Ảnh minh họa: Phú Khánh)

Khoảng vài năm trở lại đây, freelance được giới trẻ săn đón nhiệt tình, đặc biệt là những bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, lập trình, dịch thuật, hay quan hệ công chúng (còn gọi là PR). Với những người có thâm niên làm việc tự do thì đây là công việc mà họ sẽ không được hưởng “lương cứng” của bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào, đương nhiên cũng không phải chịu bất kỳ sự “kìm kẹp” nào về nội quy công ty hay giờ giấc. 

Phương Anh, một cô gái thế hệ cuối 7x trẻ trung, năng động, đang là một “chiến sĩ” tự do trong lĩnh vực này phác thảo ngay những ưu điểm của một freelancer: “Sau 5 năm làm PR cho một tổ chức phi chính phủ, tôi gia nhập những “chiến binh tự do” khá tình cờ. Quyết định nghỉ việc để tham gia một khoá học ở nước ngoài, tôi về nước và đang suy nghĩ sẽ làm một công việc nào đó mà mình làm chủ được mình. Đang lúc lên kế hoạch, tôi được mấy người bạn rủ tham gia vào một dự án, nhưng chỉ làm việc bán thời gian. Nhận lời làm công việc đó, tôi vẫn thấy còn thời gian trống nên nhận làm thêm cho một số dự án khác. Thấy thoải mái, tự do thế là tôi gia nhập đội quân freelance”.

Phương Anh thừa nhận, trước đây làm việc cho một công ty lớn lúc nào cô cũng “mệt bở hơi tai”, bởi hàng núi công việc trong ngày, bây giờ làm freelance nhận 2-3 dự án cùng lúc, công việc cũng luôn tay, luôn chân, nhưng sướng nhất là sau khi hoàn thành dự án, tha hồ du lịch cả tuần mà chẳng phải làm đơn xin phép ai. “Chỉ thế thôi đã khiến tôi thích thú và gắn bó với công việc tự do này”, Phương Anh chia sẻ. Đặc biệt, freelancer có mức thu nhập hấp dẫn, được tính theo từng dự án hoặc theo giờ làm việc. Một freelancer “đắt sô” có mức thu nhập hàng tháng gấp hai, ba lần so với các đồng nghiệp làm toàn thời gian, thậm chí có người bỏ túi từ 1.000 - 1.500 USD/tháng.

Lướt qua các trang web tuyển dụng trực tuyến, dường như nhu cầu về lao động tự do, làm việc bán thời gian trên thị trường không hề nhỏ. Tuy nhiên, nhu cầu này phần lớn đến từ các công ty nước ngoài, thiên về lĩnh vực công nghệ thông tin, quảng cáo, truyền thông. Vì thế, người lao động không những phải giỏi chuyên môn mà ngoại ngữ phải cực “siêu”. Bảo Trân đang làm cộng tác viên dịch thuật cho một công ty phát hành sách cho biết: “Công việc chỉ trao đổi qua internet và không có ai giám sát. Kể cả biết ngoại ngữ, tìm được chỗ làm ổn định, giỏi lắm cũng chỉ 5-7 triệu đồng/tháng, trong khi nếu làm chăm chỉ tôi phải kiếm được 20-30 triệu/tháng, không phải 8 tiếng ngồi lỳ trong văn phòng, lúc nào thích là xách ba lô lên đường ”, Bảo Trân vui vẻ cho biết. 

Thậm chí, để “an toàn” cho danh phận freelancer của mình, nhiều bạn trẻ đã xây dựng những trang web về các lĩnh vực để tự giới thiệu bản thân với khách hàng một cách chuyên nghiệp hơn. 

Không dễ có “miếng bánh ngon”

Tuy vậy, theo tiết lộ của dân freelance lành nghề, không phải ai cũng “thuận buồm xuôi gió”. Sau một thời gian “quay cuồng” với các “dự án” dịch thuật, Hà Anh, một dịch giả tự do chia sẻ: “Nghe có vẻ đơn giản nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Để dịch được những cuốn sách hàng trăm trang, đầu óc luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”, lo sợ không hoàn thành đúng thời hạn khiến tôi cảm thấy áp lực công việc còn nhiều hơn cả khi làm việc cho những công ty lớn”.

“Cứ tưởng không phải làm hành chính là sẽ nhàn hơn nhưng thực chất, làm việc này mình còn phải “dính” với cái máy tính 24/24, ngày chưa xong đêm phải lo “cày” nốt”, một freelancer đang làm cho một dự án về lập trình cho biết. Để thực sự thành công, một freelancer phải có chiến lược marketing bản thân hiệu quả, biết tạo dấu ấn riêng, tiếp thị thương hiệu của chính mình, đó là chưa kể một loạt kỹ năng thuyết trình, đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm với các 

freelancer khác trong cùng dự án. Thậm chí khi nhận được những dự án lớn, một mình làm không xuể, họ cũng phải tìm các freelancer khác để phân chia công việc nhằm đảm bảo tiến độ của dự án. 

Thu Linh, người có kinh nghiệm gần 5 năm trong lĩnh vực freelance thẳng thắn nhận xét: “Freelance chỉ dành cho những ai vững tay nghề muốn thư giãn một thời gian. Bởi, có “an cư” thì mới lạc nghiệp. Hơn nữa, đối với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo thì làm việc theo nhóm luôn hiệu quả hơn. Những đồng nghiệp có thể có những ý tưởng khác nhau, tạo ra chất xúc tác và nét sáng tạo mới lạ cho công việc”.

Ông Nguyễn Trần Quyết, giám đốc một công ty quản lý nguồn nhân lực của Australia tại Việt Nam cho rằng, freelance là một công việc không hề đơn giản và dễ dàng như nhiều người nghĩ. Tự do không có nghĩa là rảnh rỗi, bạn phải biết cách sử dụng sự tự do ấy đạt hiệu quả tối đa. Các freelancer vì rất tự do nên thường sao nhãng công việc và thiếu tính kỷ luật. Chính những điều đó mà nhiều người không thể “trụ” được với nghề. Bên cạnh đó, freelance đòi hỏi mỗi cá nhân phải có vốn hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực để các freelancer khỏi bị xử ép khi đơn phương “chiến đấu”. Chấp nhận làm freelance là chấp nhận rủi ro, không phúc lợi, chính sách ưu đãi, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, trợ cấp sinh sản và xa hơn nữa là lương hưu. Đó chính là vấn đề lớn mà các bạn trẻ cần suy nghĩ kĩ càng trước khi “dấn thân”.