Gian nan chống “cát tặc” (3)

Tự cứu lấy mình

ANTĐ -  Từng bị nạn “cát tặc” hoành hành, huyện Đan Phượng đã nỗ lực, quyết tâm tìm và triển khai những giải pháp “tự cứu”. Cuộc chiến chống “cát tặc” ở Đan Phượng (Hà Nội) gợi mở nhiều bài học đáng suy ngẫm.

Số tàu thuyền khai thác cát trái phép bị CAH Đan Phượng tịch thu

Xử lý nghiêm khắc

Có 15km sông Hồng chạy qua địa bàn, một thời gian dài, huyện Đan Phượng luôn phải đối phó với tình trạng khai thác trái phép tài nguyên trên sông. Nguy cơ sạt lở hệ thống đê kè trọng yếu phòng chống lũ lụt, biến đổi dòng chảy, gây mất an toàn giao thông đường thủy và ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng khi nguồn “cầu” sử dụng cát đen ngày càng tăng cao. Do có nhiều mỏ cát đen nên ngoài sự xuất hiện của một vài tàu thuyền nhỏ có gắn đầu nổ của người dân địa phương, tại khu vực này còn có tàu hút cát cỡ lớn. Trước tình trạng này, Công an huyện đã xây dựng nhiều kế hoạch phối hợp với Phòng CSGT đường thủy, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường tập trung xử lý triệt để tình trạng “cát tặc”. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng hoạt động khai thác trái phép tài nguyên trên sông Hồng, cơ quan công an đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để kịp thời nắm thông tin, phát hiện và xử lý các đối tượng, phương tiện, bến bãi vi phạm. Sẵn sàng áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay, trong đó có tịch thu và đấu giá phương tiện vi phạm là lý do khiến Đan Phượng trở thành là một trong những địa bàn đi đầu trong việc giải quyết tận gốc tình trạng “cát tặc”.

Theo Thượng tá Nguyễn Như Thụ - Phó trưởng CAH Đan Phượng, trong năm 2013, CAH đã bắt giữ, xử lý 11 vụ - 11 đối tượng về hành vi khai thác cát đen trái phép trên sông Hồng, xử phạt hành chính 170 triệu đồng, tịch thu 1 tàu thủy tự đóng, 2 tàu thủy nội địa, 16 đầu nổ, 12 sên hút cát và hàng chục ống hút cát các loại. Cơ quan công an đã bàn giao toàn bộ tang vật liên quan cho lực lượng chức năng của UBND huyện để tổ chức thanh lý, bán đấu giá. Hay như trong việc triển khai các kế hoạch chuyên đề chống “cát tặc”, dù phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng lực lượng công an luôn quyết liệt, xử lý cứng rắn mọi trường hợp vi phạm.

Vào những thời điểm “cát tặc” hoạt động mạnh, tại tất cả các địa điểm trọng yếu dọc tuyến sông Hồng chảy qua Đan Phượng đều có lực lượng cảnh sát hóa trang mật phục trên bờ và dưới sông. Ngoài phối hợp tuần tra kiểm soát, lực lượng làm nhiệm vụ còn thuê tàu thuyền để tiếp cận, bắt quả tang các phương tiện nạo vét lòng sông. Bên cạnh đó, CAH Đan Phượng còn rà soát, tổ chức cho chủ các bãi chứa và kinh doanh vật liệu xây dựng nằm trên địa bàn ký cam kết không thu mua cát không rõ nguồn gốc, không khai thác hoặc thuê khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Để tăng cường công tác kiểm soát, lực lượng CSGT cũng được huy động vào việc tuần tra, xử lý các phương tiện vận chuyển cát quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Nếu như trước năm 2013, trên địa bàn tại 8 xã ven sông Hồng của huyện Đan Phượng có 12 bãi chứa và kinh doanh cát thì đến nay chỉ còn lại 7. Trong số này, chỉ có 2 bãi còn chứa cát đen (do tồn lại từ trước) phục vụ nhu cầu xây dựng tại địa phương.

“Kéo” chính quyền, người dân vào cuộc

Dù phần lớn cát khai thác trái phép được vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ nhưng việc để hình thành, tồn tại các bãi chứa và kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông vẫn là nguyên nhân làm gia tăng hoạt động “cát tặc”. Nhận thức rõ điều này, UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo các xã có bến bãi cho thuê khẩn trương thanh lý hợp đồng, để hướng đến mục tiêu trên toàn địa bàn huyện không còn bãi chứa, bãi kinh doanh cát khai thác trái phép. Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đan Phượng cho biết: “Sẽ chỉ duy trì những bến bãi kinh doanh cát được khai thác từ các mỏ đã được cấp phép nhằm mục đích phục vụ nhu cầu xây dựng tại chỗ. Xã nào để xuất hiện, tồn tại bãi chứa, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm”.

Với quan điểm xử lý mạnh tay hành vi khai thác tài nguyên trái phép trên sông Hồng, UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung xử lý, thuê cảng lưu giữ phương tiện vi phạm. Căn cứ mức độ có thể tịch thu, bàn giao cho hội đồng đấu giá tiến hành thanh lý. Nhằm siết chặt công tác giám sát, huyện cũng đề nghị 8 xã ven sông lập các barie để kiểm soát, giới hạn trọng tải phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng. Ngoài các tổ CSGT, TTGT tuần tra kiểm soát tại các tuyến đê, trục đường chính, lực lượng công an xã cũng cắm chốt tại các địa điểm cụ thể để kịp thời phát hiện vi phạm.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về hậu quả của việc khai thác tài nguyên trái phép cũng được các lực lượng chức năng thực hiện. Từ việc hưởng ứng, không vi phạm, người dân đã tích cực phát hiện, cung cấp thông tin về các đối tượng, phương tiện khai thác cát trái phép cho cơ quan chức năng. “Nhiều bà con trước đây từng trực tiếp tham gia nạo vét lòng sông nhưng được vận động tuyên truyền đã trở thành hạt nhân tích cực trong công tác phòng chống “cát tặc”. Không ít chủ tàu thuyền không ngại nguy hiểm, sẵn sàng phối hợp, giúp đỡ cơ quan công an bắt giữ đối tượng, phương tiện khai thác cát trái phép” - đại diện lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng cho biết; song cũng chia sẻ: “Quyết liệt là thế, nhưng chỉ ngơi đi là “cát tặc” lại hoạt động”…

(Còn nữa)