Từ chuyện trèo rào vào công viên, ngẫm ra thói vô kỷ luật của người Việt

ANTĐ - Chuyện người người trèo rào vào Công viên nước Hồ Tây để tắm miễn phí, có phải là hình ảnh tiêu biểu tồn tại lâu nay của bộ phận “người Việt xấu xí”?

Từ xưa, những câu chuyện dạng “nói thật trong quán nước” – tức nói về những điều không hay, dễ mất lòng nên chỉ được chia sẻ dạng thân mật – đã đề cập tới chuyện người Việt được khen thông minh, nhưng bị chê vì… “khôn lỏi”.

Cái “khôn lỏi” đó thể hiện ở việc vận dụng sự lanh lợi của bản thân để mang phần lợi về cho mình, còn “đại cục” của tập thể ra sao thì kệ. Ra đường, hơn nhau nửa bánh xe là có thể len lên vượt đèn đỏ, dù cho có làm cả dòng người “đèn xanh” phải khựng lại; Đi đổ xăng, “ăn bớt” thời gian mở nắp, rút tiền là đã vượt mặt cả đống người “ngớ ngẩn” đang loay hoay, để đổ xăng trước…

"Thành công" với nhiều người chỉ đơn giản là trèo qua hàng rào này và được tắm miễn phí mà thôi

Những hành động “khôn lỏi” đó vẫn cứ diễn ra hàng ngày, vì đơn giản, ai cũng nghĩ về bản thân mình trước và càng vận dụng được tối đa thì người đó và người thân càng lợi, vậy thôi.

“Sự kiện” trèo rào vào Công viên nước Hồ Tây vừa qua có lẽ lại bổ sung một minh chứng nữa cho sự “khôn lỏi” và biết phát huy thể chất đúng lúc, đúng chỗ đó của những người Việt xấu xí!

Đóng cửa có hề gì, vì người ta dễ dàng phát hiện ra hàng rào… leo được. Và người trước vào xong lại càng dễ dàng chuyển người sau gồm trẻ em, phụ nữ vào, nhờ “cơ chế” nâng đỡ hiệu quả. Cả cộng đồng cùng “phá luật” thì phía Công viên nước Hồ Tây có quyết định thu phí trở lại để đảm bảo trật tự cũng phải bó tay mà thôi!

Sức mạnh thể lực và sự “nhanh trí” đã được phát huy, nhưng sao dư luận lại ngỡ ngàng, lại xấu hổ trước những hình ảnh đó? Phải chăng vì mọi người thấy được hình ảnh “người Việt xấu xí” quá rõ qua cảnh chen lấn, trèo rào, hay trước đó là những phụ huynh đạp đổ cổng trường để vào đăng ký học cho con, những người xô đẩy để ăn sushi miễn phí, tranh cướp hoa ở lễ hội hoa…?

Đã có những ý kiến cố gắng bao biện cho hành động xấu xí, là Hà Nội quá thiếu các trung tâm vui chơi, giải trí và đó chỉ là hành động bột phát, ăn thua khi thấy “trèo rào quá dễ dàng”. Nhưng bao biện này không hợp lý, vì nói vậy, phải chăng khi có nạn đói, người ta cũng “được quyền” cướp phá để thỏa lợi ích cá nhân?

Và còn những giải thích nào là hợp lý cho vô vàn hành động xấu xí đang vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đường phố, trong ngõ xóm?

Từ câu chuyện kể trên, mới ngẫm ra, xã hội ta còn chưa phát triển bằng những nước khác âu cũng là bắt nguồn từ một nguyên nhân hiển hiện: Thói vô kỷ luật.

Lúc còn sống, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore từng chia sẻ về quan điểm lãnh đạo đất nước phát triển, đó là “dân chủ không nhất thiết dẫn đến sự phát triển. Tôi tin điều cần thiết cho một quốc gia muốn phát triển là kỷ luật, nó quan trọng hơn là dân chủ. Tâm trạng phấn khởi mà dân chủ đem lại sẽ dẫn tới sự vô kỷ luật và mất trật tự, đó lại chính là những kẻ thù của sự phát triển”.

Vậy nên, những hình ảnh xấu xí của dòng người đông đảo thi nhau leo rào vừa qua không chỉ khiến nhiều người biết suy nghĩ cảm thấy xấu hổ, nó còn khiến những ai đau đáu, trăn trở với sự phát triển chung của đất nước, của xã hội thấy buồn. Đó quả thực là hình ảnh tiêu biểu cho thói vô kỷ luật – “kẻ thù của sự phát triển” như lời chia sẻ của ông Lý Quang Diệu.

Rồi sau hình ảnh trèo rào xấu xí đã qua, thói vô kỷ luật của người Việt sẽ thế nào? Có lẽ vẫn chẳng có gì thay đổi, người ta sẽ quên rất nhanh câu chuyện này để lại phải xấu hổ, ngỡ ngàng trước một câu chuyện vô kỷ luật khác.

Và đương nhiên, sự phát triển vẫn là một thứ xa xỉ, trong vô số thứ vô kỷ luật nhan nhản như thế này!