Từ chuyện phân làn đến trâu húc người

ANTĐ - Ngoài những góp ý rất chân tình về việc phân làn giao thông, thật bất ngờ khi có khá nhiều bạn đọc phản hồi về vụ một con trâu bị giết hụt ở nhà hàng đã “nổi điên” húc người ngay trên phố.

Phân làn giao thông quan trọng là ý thức

Bạn đọc Uyên Nguyên (uyen…@gmail.com) khẳng định: “Chủ trương phân làn giao thông là đúng. Nước nào cũng thế, xe nào đi làn đường của xe nấy. Lúc đầu nó có thể là mới với người có ý thức kém như ở Việt Nam nhưng lâu lâu sẽ thành nếp. Không triển khai thì bao giờ  người tham gia giao thông mới có ý thức đi đúng làn đường của mình? Tôi thấy duy chỉ có những biển báo phân làn đặt giữa đường là còn chưa hợp lý. Nên đặt các cột treo biển báo bên lề đường và biển báo chìa ra phía trên đầu người giao thông hoặc căng ngang đường bằng khung chắc chắn”.

 “Việc phân luồng xe là hợp lý, nó có nhiều mặt tích cực: giúp giảm ùn tắc, an toàn khi không lưu thông chung với xe ôtô...” - bạn đọc Ngô Mỹ (bapmy…@yahoo.com) đồng tình và cho biết: “Tôi sống ở TPHCM nên việc phân luồng xe đã quá quen thuộc với người dân khi lưu thông trên đường. Tôi nghĩ việc các phương tiện hút vào dải phân cách là do ý thức quá kém, tiêu chí đầu tiên khi lái xe là phải quan sát và làm chủ tốc độ”.

Bạn đọc Quốc Dũng (quocdung…@yahoo.com.vn) góp ý: “Người dân Hà Nội nên cảm thấy xấu hổ khi việc chấp hành luật lệ giao thông của mình quá kém. Nếu ai cũng chấp hành đi đúng phần đường của mình thì Sở GTVT TP Hà Nội đã không cần phải tốn mấy chục tỷ đồng để phân làn đường. Hãy học tập người dân TPHCM”. Phản hồi ý kiến của bạn đọc Quốc Dũng, một bạn đọc có tên là Mai (maipo…@yahoo.com) thừa nhận: “Tôi là người Hà Nội, và thật xấu hổ khi phải thừa nhận rằng ý thức giao thông của người Hà Nội rất thấp. Tôi ủng hộ việc phân làn và nếu chấp hành đúng luật giao thông thì có sao đâu. Đường phố Hà Nội không rộng bằng TPHCM nên việc phân làn đúng là có bất tiện hơn nhưng không phải là không có cách giải quyết. Ý thức người dân được nâng cao thì sẽ giải quyết được thôi, người Hà Nội thường giữ văn hóa truyền thống, vậy hãy nhớ giữ cả văn hóa đi lại nữa”.

Cần khẳng định lại là việc phân làn giao thông là chủ trương đúng và rất cần thiết, tuy nhiên cơ quan chức năng cũng cần xem xét đặc thù từng tuyến đường để có cách tổ chức hợp lý, tránh được ùn tắc và an toàn cho người tham gia giao thông.

Sát sinh kiểu ấy có ngày sinh... sát

Sau khi ANTĐ thông tin về việc một nhà hàng ở Gia Lâm giết trâu không an toàn, con trâu nổi điên húc lung tung khiến một người bị thương nặng, khá nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự bức xúc.

Đứng trên quan điểm Phật giáo, bạn đọc Mai Nga (mainga…@yahoo.com) viết: “Nhân quả! Trâu bị hại đã hành động để cảnh báo con người. Giết động vật khác gì tự giết mình (bệnh tật, suy tàn, hủy hoại thiên nhiên)”.

Cho rằng “Trâu ở nước ta được nuôi rất phổ biến nên việc giết thịt trâu không có gì là lạ”, nhưng bạn đọc Hồng Chi (hongchi…@gmail.com) đặt câu hỏi: “Sao không tìm cách giết mổ khác an toàn hơn lại giảm được sự đau đớn cho con trâu. Chứ giết mổ theo cách này thấy dã man quá. Mình là người rất yêu động vật. Nhìn con trâu này tội nghiệp quá, thương nó quá”.

Bạn đọc Đào Trọng An (qltt…@yahoo.com) phân tích: “Chỉ vì muốn thu hút khách, hầu hết các cửa hàng để bếp và quầy chế biến ra trước cửa hàng kể cả việc giết mổ gia cầm nay lại cả gia súc to như con trâu. Thật sự rất mất vệ sinh”. “Nên cấm những việc làm như trên và cần quy hoạch nơi giết mổ sơ chế giao cho các cửa hàng ăn uống và kinh doanh. Như vậy vừa quản lý được an toàn thực phẩm, vừa mang lại hình ảnh văn minh trong phục vụ và kinh doanh của các nhà hàng” - bạn đọc Đào Trọng An đề nghị.