Về việc 5 hiệu trưởng thôi giữ chức vụ ở quận Hà Đông (Hà Nội):

Từ chức, miễn nhiệm - khó làm, khó nói

ANTĐ - Đầu năm học, tuyên bố của lãnh đạo phòng GD-ĐT quận Hà Đông về việc 5 hiệu trưởng từ chức đã thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về vấn đề này thì thấy đây không chỉ là việc khó làm mà còn rất khó nói.

Môi trường giáo dục không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh
(Ảnh có tính minh họa)

2 năm không đạt tỷ lệ tín nhiệm phải thôi chức

Một trong những quyết định khá cứng rắn được Quận ủy Hà Đông ban hành trong đề án “Nâng cao chất lượng GD-ĐT quận Hà Đông giai đoạn 2010-2015” chính là quy định trên. Cũng chính từ đề án này, 5 hiệu trưởng thuộc địa bàn quận Hà Đông đã được cho “từ chức”. Để đảm bảo chất lượng đội ngũ quản lý, đề án này yêu cầu các trường học triển khai đánh giá hiệu trưởng, hiệu phó căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhà trường, cộng với kết quả bỏ phiếu kín từ hội đồng sư phạm, đại diện phụ huynh và học sinh về tiêu chuẩn đạo đức, tinh thần trách nhiệm và năng lực quản lý. Nếu 2 năm liên tục nhà trường không có chuyển biến về chất lượng giáo dục, không đạt các chỉ tiêu đăng ký đã đề ra, nội bộ mất đoàn kết thì sẽ làm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng, hiệu phó để xem xét cho thôi giữ chức vụ hoặc điều chuyển sang vị trí thấp hơn tại trường khác. 

Trường hợp cán bộ quản lý có một trong số tiêu chuẩn nêu trên không đạt tỷ lệ tín nhiệm theo quy định thì bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ và sẽ phải thôi giữ chức vụ, điều chuyển làm giáo viên tại trường khác.Với cách thức này,  kết quả đánh giá cán bộ năm 2011, quận Hà Đông đã miễn nhiệm chức vụ 4 cán bộ quản lý, gồm 3 hiệu trưởng, 1 hiệu phó. Năm 2012, quận miễn nhiệm thêm 1 hiệu phó. 

Một trong những điều được dư luận quan tâm là sự biến chuyển về chất lượng giáo dục cũng như cách thức giải quyết những vấn đề có thể phát sinh khi miễn nhiệm cán bộ quản lý ở trường học chưa phải là hình thức phổ biến. Tuy nhiên, khi được hỏi về tiến trình xử lý những trường hợp này, bà Phạm Thị Hòa, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông một mực từ chối và không đưa ra bất cứ thời hạn nào cho câu trả lời của ngành giáo dục. 

Chia sẻ về việc sắp xếp, đánh giá đội ngũ cán bộ, giáo viên trong quy mô nhỏ là trường học, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú cho rằng, việc đặt ra được một quy trình minh bạch, công khai và khoa học đối với việc đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm là thước đo và căn cứ quan trọng nhất đối với việc sắp xếp cán bộ. “Nếu rõ ràng, minh bạch thì dù việc sắp xếp lại đội ngũ rất đau đầu, dễ gây mẫu thuẫn, hiểu nhầm nhưng rồi mọi người sẽ hiểu và dễ chấp nhận”- bà Nguyễn Thị Nhiếp cho biết. 

“Tôi không hiểu vì sao không thể nói rõ?”

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh cho biết, ông cũng đặc biệt quan tâm tới thông tin 5 hiệu trưởng của quận Hà Đông từ chức. “Thực tế xem kỹ thông tin thì đây là miễn nhiệm nhưng được nói tránh đi. Theo tôi, sở dĩ thông tin này được quan tâm bởi trong ngành giáo dục, những trường hợp từ chức thực ra khá hiếm” – PGS Văn Như Cương cho biết. Khi được chia sẻ rằng nguồn thông tin này không được cơ quan quản lý cung cấp thêm, PGS Văn Như Cương thắc mắc: “Đây là việc cần làm vì chất lượng giáo dục. Nếu đã làm đúng, làm tốt thì tôi không hiểu vì sao lại không thể nói rõ?”. 

Phân tích về vấn đề từ chức, PGS Văn Như Cương cho rằng, trong xã hội nếu không bao giờ có người từ chức, không có ai bị cách chức thì là chuyện bất thường và cần được xem xét lại. Việc miễn nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó như ở quận Hà Đông là hết sức bình thường và đặc biệt cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, cũng là để chính những người được giao nhiệm vụ phải thường xuyên cố gắng, không được trì trệ. Cũng theo PGS Văn Như Cương, điều cần quan tâm là những vấn đề “hậu luân chuyển”. Không để xảy ra khiếu nại, tố cáo là điều đáng mừng, trách nhiệm của cơ quan quản lý là còn phải tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ của mình tiếp tục thử sức và cống hiến có trách nhiệm ở môi trường mới. Vì vậy, trước khi luân chuyển nhất thiết phải thăm dò dư luận nơi dự kiến đến, để người mới đến và người “bản địa” đều “tâm phục, khẩu phục”. 

Kiên quyết minh bạch trong đánh giá, xếp loại và thuyên chuyển

“Cán bộ không đủ năng lực, nhất là trong môi trường giáo dục, nếu không kiên quyết và minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại và thuyên chuyển, thậm chí cho nghỉ việc thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế hệ học sinh. Chính vì vậy, trước năm học mới, trường đã phải dừng hợp đồng với 11 giáo viên. Với giáo viên biên chế, nhà trường cũng bố trí, sắp xếp lại công tác, không giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm lớp…” 

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp (Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú)