Từ chức là tự trọng

ANTĐ - Trong chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2012, lần đầu tiên vấn đề văn hóa từ chức được Bộ Nội vụ nghiên cứu đưa vào Đề án tiếp tục cải cách thể chế công vụ, công chức để trình Chính phủ trong quý I năm nay. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hiện nay chưa bàn đến văn bản ban hành quy chế này. Có thể sẽ là một nghị định do Chính phủ ban hành. Các quy định này nếu được thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý nâng cao ý thức trách nhiệm trong hoạt động công vụ, đồng thời tạo ra một nếp văn hóa trong hành vi ứng xử của cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Xung quanh quyết định của Thủ tướng cho thôi chức Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đã có dư luận đồn đoán ông Chủ tịch khó trụ nổi ở vị trí quan trọng và nhạy cảm này. Bởi vì trong nhiều năm qua, những “căn bệnh” của Tập đoàn Điện lực không những không thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn.

Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước, đến cuối năm 2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ đã lên tới 50.000 tỷ đồng, trong đó chiếm 90% là vào các công ty con, thế nhưng lợi nhuận thu về chỉ là 540 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư hơn 1%. Chưa kể, Tập đoàn “anh cả” này còn “ném” 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực ngoài ngành là: bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính.

Làm mất vốn nhà nước, nợ đầm đìa, Tập đoàn Điện lực còn mắc trong vòng luẩn quẩn như mô hình tổ chức trì trệ, chưa tạo ra sự cạnh tranh, minh bạch, nhiều công trình làm chủ đầu tư vẫn ì ạch, chậm tiến độ. Khi đã yếu kém, bất lực thì được thôi chức chính là một lối thoát cho cá nhân người đứng đầu phải gánh và chịu trách nhiệm cung ứng nguồn điện cho cả nước.

Tuy nhiên, đã có dư luận cho rằng, nếu ông Chủ tịch Tập đoàn Điện lực biết “tự nguyện” từ chức thì mọi chuyện sẽ trở nên bình thường như trên chính trường thế giới. Khi không đảm đương được trọng trách, thậm chí để xảy ra tai nạn đổ tàu, sập các công trình nghiêm trọng hoặc khi vi phạm về đạo đức, pháp luật hay để cấp dưới sai phạm lớn, không ít quan chức cấp cao xin từ chức.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc vừa tuyên bố từ chức sau khi bị cáo buộc đã hối lộ các thành viên trong đảng cầm quyền Đại dân tộc trong cuộc bầu cử đảng này từ năm 2008. Chuyện từ chức chẳng hiếm hoi ở xứ sở kim chi. Cách đây mấy năm, một Thị trưởng Seul đã từ chức chỉ vì một chiếc cầu bị gãy. Một Thủ tướng đi chơi sân golf cuối tuần, trong khi đất nước xảy ra một tai nạn cũng xin từ chức. Ở châu Á, châu Âu hay Mỹ, người dân coi việc một quan chức xin từ chức là sự tự trọng, biết chịu trách nhiệm. Còn ở ta, từ trước tới nay chỉ thấy bị cách chức chứ ít có ai từ chức. Thực ra, từ năm 2008 đã có các quy định buộc phải từ chức trong Luật Cán bộ, công chức. Luật quy định cán bộ công chức có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết cho thôi việc.

Nghị định về văn hóa từ chức được xây dựng trên tinh thần khuyến khích từ chức hay buộc phải từ chức? Liệu có khả năng tạo dựng được văn hóa từ chức? Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, từ chức là vấn đề pháp lý nhưng có nội hàm đạo đức, thể hiện ý thức, trách nhiệm và lòng tự trọng. Không phải người từ chức là người xấu mà là người đáng được tôn trọng và kính trọng. Chỉ khi không biết “tự xử” thì sẽ có quy định, chế tài cụ thể buộc phải từ chức.