Từ các vụ công bố sao kê: Cá nhân có thể tự mời đơn vị kiểm toán để chứng minh trong sạch?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ công bố hơn 18.000 trang sao kê tiền từ thiện của ca sỹ Thủy Tiên, một số cá nhân cho rằng, điều này vẫn chưa đủ căn cứ chứng minh người trong cuộc trong sạch, đồng thời kêu gọi kiểm toán vào cuộc để làm rõ việc thu, chi tiền từ thiện của các nghệ sỹ.

Được biết, theo Luật Kế toán 2015, có 3 loại kiểm toán bao gồm: Kiểm toán Nhà nước; Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nội bộ.

Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.

Kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ của một đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức.

Còn theo Điều 37 của Luật Kiểm toán độc lập 2011 và Điều 15 của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật này, đối tượng bắt buộc kiểm toán gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng; Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán…

Vợ chồng Công Vinh, Thủy Tiên livestream công bố 18.000 nghìn trang sao kê tại ngân hàng
Vợ chồng Công Vinh, Thủy Tiên livestream công bố 18.000 nghìn trang sao kê tại ngân hàng

Ngoài ra, Điều 10 Luật kiểm toán độc lập cũng quy định, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức thuê doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và các công việc kiểm toán khác trước khi nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc trước khi công khai tài chính.

Đối chiếu quy định trên có thể thấy, hiện chưa có quy định bắt buộc kiểm toán đối với cá nhân và trên thực tế việc kiểm toán với cá nhân hiếm khi xảy ra – Luât sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Song trong trường hợp cá nhân muốn chứng minh sự trong sạch và minh bạch trong thu, chi tiền từ thiện thì có thể ký hợp đồng với công ty kiểm toán để thực hiện một số hoạt động như báo cáo thu chi tiền từ thiện.

Hoạt động từ thiện của cá nhân do người đó tự tiến hành, tài sản quyên góp được là tài sản của cá nhân, tổ chức, không phải tài sản của Nhà nước, do đó chưa có căn cứ để kiểm toán Nhà nước vào cuộc trong các vụ việc tương tự.

Nếu có kiểm toán thì chỉ là là kiểm toán độc lập, dựa theo nhu cầu của người cần dịch vụ kiểm toán. Việc họ có mời kiểm toán hay không là quyền của họ. Trường hợp cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn tố giác của cá nhân, tổ chức về những hành vi trái luật sẽ do cơ quan có thẩm quyền đề nghị cơ quan kiểm toán vào cuộc.

Cũng theo Luật sư Thu, quy trình kiểm toán đối với cá nhân sẽ do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân cung cấp các tài liệu, bảng kê chi phí, biên nhận…và nhiều tài liệu khác có liên quan đến hoạt động mình cần kiểm toán.

Công ty kiểm toán sẽ thực hiện dịch vụ kiểm toán trên cơ sở nhu cầu của khách hàng, cá nhân. Còn việc đưa ra sao kê chưa mới đơn giản chỉ là bản ghi chép lại các khoản giao dịch phát sinh, biến động trên tài khoản.