Tự bảo vệ mình

ANTĐ - “Mặc dù Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được ban hành nhưng người tiêu dùng luôn phải tự bảo vệ mình”- anh Đặng Ngọc Linh (28 tuổi, ở Thái Nguyên) chia sẻ.

- Theo anh người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi gì từ Nghị định này?

- Tôi cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ của quản lý nhà nước và là trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, lâu nay sự quản lý chưa thực sự tốt, các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào lợi nhuận do đó quyền lợi của người tiêu dùng thường xuyên bị xâm hại. Khi có quy định cụ thể với các mức chế tài để áp dụng xử phạt các vi phạm sẽ giúp bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng bị xâm hại trong quá trình tham gia các giao dịch thương mại. 

- Tuy nhiên nhiều người tiêu dùng chưa ý thức hết việc tự bảo vệ?

- Khi xảy ra những tranh chấp liên quan tới quyền lợi người tiêu dùng, nhiều khi người tiêu dùng cũng còn ngại lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Để đòi được quyền lợi hợp pháp nhiều khi người tiêu dùng phải tốn thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc trong khi quyền lợi đòi được lại không lớn. Vì thế những vi phạm xâm hại tới quyền lợi của người tiêu dùng luôn bị bỏ qua. Không ai chỉ vì một tin nhắn tiếp thị dịch vụ gây phiền toái vào lúc nửa đêm lại cất công đi “kiện tụng”, mà muốn kiện cũng không biết bắt đầu từ đâu và quan trọng là kiện để “được gì”.

- Mức chế tài tối đa cho vi phạm liên quan tới lĩnh vực này là 70 triệu đồng, anh đánh giá gì về mức phạt này?

- Tôi cho rằng mức xử phạt tối đa là 70 triệu đồng vẫn còn quá thấp, chưa tạo được sức răn đe đối với phía vi phạm. Một mặt hàng không đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng sẽ gây ra những hậu quả khó lường có thể gây nguy hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người tiêu dùng mà mức phạt như vậy sẽ khiến doanh nghiệp vì lợi nhuận mà sẵn sàng vi phạm. Thôi thì trước khi nhận được sự bảo vệ mỗi người tiêu dùng lại tiếp tục “tự bảo vệ mình”.