Từ 9-12, hàng triệu hồ sơ làm giấy khai sinh, đổi bằng lái xe… sẽ được cấp trực tuyến

ANTD.VN - Kể từ ngày 9-12 tới đây, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ chính thức được vận hành, cung cấp trước hết 8 loại dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc, trong đó có đổi giấy phép lái xe, khai sinh…

Các đại biểu dự buổi họp báo

Sáng nay, 7-12, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về việc khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, Cổng dịch vụ công sẽ chính thức vận hành từ ngày 9-12-2019, cung cấp trước tiên 8 loại dịch vụ được lựa chọn và triển khai trên toàn quốc.

Cụ thể, có 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm: Đổi giấy phép lái xe; Thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng; Dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); Dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.

Có 4 dịch vụ công trực tuyến thực hiện tại cấp Bộ gồm: Cấp Giấy phép lái xe quốc tế; Đăng ký khuyến mãi; Nhóm dịch vụ về Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ tại TP. HCM là Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải phòng là Đăng ký khai sinh… cũng được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Ông Ngô Hải Phan thông tin về Cổng dịch vụ công quốc gia

Tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan thông tin, trong Quý I/2020, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 15 dịch vụ công.

Trong đó chủ yếu là dịch vụ công thuộc các lĩnh vực: thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ. Đây đều là những dịch vụ có số lượng hồ sơ phát sinh lớn và thiết yếu với người dân, doanh nghiệp.

Theo Văn phòng Chính phủ, năm 2018, cả nước có 965.000 hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe trong nước, thêm 7.000 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép lái xe quốc tế; trên 2 triệu bộ hồ sơ đăng ký khuyến mại; trên lý 2,6 triệu hồ sơ cấp đổi thẻ BHYT; 4.800 trẻ được sinh ra mỗi ngày cần làm thủ tục đăng ký khai sinh…

Như vậy, khi Cổng dịch vụ quốc gia đi vào hoạt động, việc thực hiện các thủ tục này sẽ được thực hiện trực tuyến thay vì phải đến các cơ quan nhà nước để làm thủ tục trực tiếp như hiện nay. Nhờ đó, giúp tiết kiệm 4.222 tỷ đồng/năm. Con số này còn tăng hơn nữa khi số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia tiếp tục tăng lên.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin tại buổi họp báo

Được biết, Cổng dịch vụ công quốc gia được vận hành trên hệ thống công nghệ Vnconect do Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) phát triển theo yêu cầu Thủ tướng Chính phủ giao (tại quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/03/2019).

Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, giải pháp đảm bảo vận hành hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, tại buổi họp báo, Trưởng đoàn chuyên gia Pháp Hever La Bars (đơn vị tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng hệ thống này) cho biết, qua đánh giá của cả nhóm chuyên gia, lựa chọn công nghệ dựa trên nền tảng hệ thống Vnconect mà VNPT phát triển là một lựa chọn tốt vì đây là một trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3, đảm bảo khả năng xử lý dữ liệu lớn.

Thực tế, VNPT hiện đang quản lý thông suốt mạng lưới 30 triệu người dùng với hệ thống này. Với vai trò là đơn vị phát triển và vận hành hệ thống kỹ thuật Cổng dịch vụ Công quốc gia, Tập đoàn VNPT đã bố trí hệ thống hiện đại thực hiện công tác giám sát 24/7, cùng huy động nguồn lực là các chuyên gia về an toàn thông tin ứng trực trong việc giám sát đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kỳ vọng, Cổng dịch vụ công quốc gia được vận hành sẽ cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng hàng năm của Liên hiệp quốc.