Từ 2018, sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán có thể bị xử lý hình sự

ANTD.VN -  Từ 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông tin liên quan đến việc sử dụng tiền ảo (hay còn gọi là tiền kỹ thuật số - cryptocurrency) làm phương tiện thanh toán.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán.

Cụ thể, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp vào Bộ luật Hình sự.

Việc Đại học FPT công bố sẽ cho phép sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin đang gây xôn xao dư luận

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dẫn Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về phương tiện thanh toán như sau:

6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.

Khoản 6 Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về hành vi bị cấm bao gồm: “6. Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

          “Như vậy, theo các quy định của pháp luật đã dẫn, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam” – Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

          Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

“Đồng thời, từ ngày 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017)” – Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Trước đó, trường Đại học FPT cho biết sẽ chấp nhận cho các đối tượng người nước ngoài đang là sinh viên hoặc chuẩn bị là sinh viên của trường nộp học phí bằng Bitcoin.  

Theo đại diện FPT, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định nào liên quan đến Bitcoin. Dù vậy, nhiều trường đại học trên thế giới cũng đã chấp nhận cho sinh viên sử dụng bitcoin để thanh toán học phí.

“Nguyên nhân ĐH FPT thử nghiệm thu học phí bằng Bitcoin vì đây là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại ĐH FPT. Đó là những sinh viên châu Phi, đặc biệt là từ Nigeria, họ gặp khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí” – ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho biết.