Từ 20-2, lắp đặt phương tiện phòng cháy, chữa cháy trên ô tô ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Từ ngày hôm nay, 20/2, theo quy định mới, phương tiện phòng cháy, chữa cháy sẽ được lắp đặt trên ô tô ra sao?

Quy định tại Thông tư số 148/2020 của Bộ Công an (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2015 hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; có hiệu lực thi hành từ 20/2/2021), quy định về danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy trên xe ô tô có một số thay đổi đáng chú ý so với trước.

Theo đó, Bộ Công an không còn quy định trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô từ 4 đến 9 chỗ ngồi, mà chỉ áp dụng đối với xe từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo. Danh mục, định mức trang bị thiết bị phòng, chữa cháy cũng có sự thay đổi.

Từ hôm nay, 20/2, quy định mới về trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy trên ô tô

Từ hôm nay, 20/2, quy định mới về trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy trên ô tô

Cụ thể, xe từ 10-30 chỗ trang bị 2 bình bột chữa cháy (bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 3 lít) và 1 đèn pin cầm tay.

Đối với xe trên 30 chỗ, ngoài các thiết bị trên, còn phải trang bị thêm 1 bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 4 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 5 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 6 lít. Xe rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách cũng trang bị tổng số 3 bình chữa cháy và 1 đèn pin.

Đối với phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ, được phân loại thành loại xe có trọng tải vận chuyển dưới 5 tấn, từ 5 tấn trở lên và loại hàng vận chuyển.

Theo từng loại cụ thể, trên phương tiện phải trang bị: 1-3 bình bột chữa cháy xách tay (có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 4kg), kìm cộng lực (chiều dài tối thiểu 600 mm; cắt được sắt có đường kính tối thiểu Ø10 mm), búa (Khối lượng đầu búa tối thiểu 1,25kg), xà beng (bằng thép, bề mặt sơn tĩnh điện; có chiều dài tối thiểu 750 mm; một đầu dẹt và một đầu cong để nâng, bẩy vật nặng), đèn pin phòng nổ cầm tay. Số lượng các thiết bị trên các xe bằng nhau, mỗi loại 1 chiếc.

Đáng lưu ý, Bộ Công an không còn quy định các loại xe trên phải trang bị bộ dụng cụ phá dỡ chuyên dùng (kìm cộng lực, búa, xà beng) găng tay chữa cháy, khẩu trang lọc độc như trước.

Liên quan vấn đề trên, đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam và lãnh đạo một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội cho biết, khi kiểm định định kỳ xe ô tô, đơn vị đăng kiểm thực chủ yếu kiểm tra các hạng mục phòng cháy, chữa cháy như: bình cứu hỏa, búa phá cửa kính để xử lý sự cố theo Quy chuẩn kỹ thuật xe ô tô (QCVN 09:2015/BGTVT).

Còn các trang thiết bị khác như: xà beng, kìm cộng lực, đèn pin phòng nổ, khi có hướng dẫn cụ thể mới áp dụng kiểm tra tại trung tâm đăng kiểm.