Từ 15-3: Chỉ cá nhân, pháp nhân mới được vay vốn ngân hàng

ANTD.VN - Ngày 30-12-2016 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, từ 15-3, khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân.

Hộ gia đình, hộ kinh doanh không được vay vốn

Sau khi được ban hành, văn bản trên đã khiến không ít chủ hộ gia đình kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ lo lắng, bởi nếu đối chiếu với quy định, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn.

Ông Bùi Hồng Lân ở huyện Quốc Oai, Hà Nội cho biết, nhiều năm nay gia đình ông kinh doanh theo mô hình hộ gia đình mỗi khi mở rộng sản xuất vẫn được vay vốn từ ngân hàng. Nay quy định trên chỉ cho phép cá nhân, pháp nhân vay vốn nên ông không biết trong thời gian tới khi cần vốn làm ăn gia đình ông sẽ xoay sở ra sao.

Từ ngày 15-3, chỉ cá nhân, pháp nhân mới được vay vốn tại  tổ chức tín dụng

Về lý do Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định trên, Luật sư Nguyễn Thành Trung – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Thông tư 39/2016 chỉ nhằm điều chỉnh lại để làm rõ một số thuật ngữ, khái niệm.

Theo đó, từ 15-3, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ không còn đương nhiên đại diện cho hộ nữa mà giao dịch với tổ chức tín dụng bằng tư cách của cá nhân hoặc pháp nhân. Hơn nữa, theo BLDS 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017), chủ thể tham gia quan hệ dân sự (bao gồm cả hợp đồng vay vốn) chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân.

Do đó, quy định về khách hàng vay vốn tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN phải bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định tại Bộ luật này. Tuy vậy, điều này cũng không có nghĩa Nhà nước bắt buộc các hộ gia đình, hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp mới được vay vốn ngân hàng.

Bởi thay vì vay theo tư cách “hộ” như trước đây, các đối tượng trên có thể vay vốn với tư cách cá nhân.

Từ 15-3 trở đi, nếu các tổ chức tín dụng vẫn ký hợp đồng cho vay với hộ kinh doanh và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là trái luật (do bên vay không đủ tư cách chủ thể theo quy định của BLDS).

Không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các "hộ"

Cũng theo Thông tư 39/2016, tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước có quy định về lãi suất cho vay tối đa. 

Liên quan đến quy định này, một số hộ kinh doanh đã tỏ ý lo ngại về mức lãi suất vay với tư cách cá nhân sẽ bị đẩy cao hơn theo lãi suất cho vay tiêu dùng khiến chi phí sản xuất tăng lên. Bên cạnh đó, trong trường hợp nếu  cá nhân đại diện cho nhóm, “hộ” đứng lên vay nếu sau đó phát sinh tranh chấp sẽ giải quyết như thế nào?

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thành Trung cho rằng, lãi suất vay do tổ chức tín dụng quyết định tùy thuộc vào  thời hạn, mục đích vay vốn (kinh doanh hay tiêu dùng), mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án vay...

Mức lãi suất này không phụ thuộc vào tư cách vay vốn là hộ kinh doanh hay cá nhân. Hơn nữa, theo quy định của BLDS 2015, cá nhân vay vốn có nghĩa vụ hoàn trả vốn vay, không liên quan đến trách nhiệm của hộ kinh doanh.

Thời gian qua, việc quy định hộ gia đình, hộ kinh doanh là một trong những chủ thể của quan hệ trong BLDS 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, nên việc loại bỏ nó trong quan hệ dân sự là thực sự cần thiết.

Thông tư 39/2016/TT-NHNN nhằm xác định lại đối tượng vay vốn ngân hàng gồm pháp nhân và cá nhân theo quy định của BLDS 2015 và thông lệ chung của thế giới. Ngoài ra, quy định mới của Thông tư 39/2016 và BLDS 2015 sẽ tạo thuận lợi hơn cho các ngân hàng trong việc ký kết hợp đồng vay vốn và thu hồi nợ.

“Có thể nói, quy định của Thông tư 39/2016 về việc bỏ chủ thể vay vốn là  hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi tên gọi, không ảnh hưởng gì tới hoạt động vay vốn nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh của các nhóm đối tượng này” – Luật sư Nguyễn Thành Trung nhận định.