Từ 15-2: Nhận hối lộ tình dục là hành vi tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán - TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 2015 trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ trong đó nêu rõ nhận hối lộ tình dục là hành vi tham nhũng.

Theo Nghị quyết 03, từ 15-2, trong quá trình tố tụng, nếu người phạm tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng hướng dẫn việc xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt với người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ, người phạm tội lần đầu nhưng không có vai trò đáng kể.

Đáng chú ý, TAND Tối cao cũng giải thích khái niệm "lợi ích phi vật chất" thường xuất hiện trong các vụ án về tham nhũng.Đó là những lợi ích không phải vật chất, như hối lộ bằng đề xuất tặng thưởng danh hiệu hay giải thưởng, bổ nhiệm chức vụ, hứa hẹn cho tốt nghiệp, đi học, đi nước ngoài hoặc hối lộ tình dục.

Nhận hối lộ tình dục là hành vi tham nhũng (ảnh minh họa)

Nhận hối lộ tình dục là hành vi tham nhũng (ảnh minh họa)

Liên quan đến hành vi hối lộ tình dục, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, tại BLHS 2015, hành vi hối lộ phi vật chất, trong đó bao gồm “hối lộ tình dục” cũng là hành vi cấu thành Tội nhận hối lộ.

Khoản 1 điều 354 quy định, người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2-7 năm:

Thứ nhất là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 hoặc dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thứ hai là lợi ích phi vật chất.

Tương tự, điểm b khoản 1 Điều 364 và điểm b khoản 1 Điều 365 (tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ) cũng quy định người nào đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ bằng lợi ích phi vật chất cũng phải chịu tội.

Như vậy, người đưa, môi giới hoặc nhận “hối lộ tình dục”, “đổi tình lấy chức” cũng bị xử lý hình sự như nhận tài sản, tiền bạc.

Như vậy, điểm mới của Tội đưa và nhận hối lộ trong Bộ luật Hình sự 2015 không chỉ là giá trị vật chất, mà cả những giá trị phi vật chất. Và hành vi hối lộ tình dục là biểu hiện cụ thể của hành vi hối lộ phi vật chất.

Theo Luật sư Hà, để chứng minh được hành vi phạm tội hối lộ tình dục chỉ cần chứng minh được có sự thỏa thuận giữa người đưa và người nhận hối lộ tình dục. Ví dụ, người đưa - thay vì đưa một số tiền nhất định thì đổi bằng một hoặc một vài lần quan hệ tình dục (giá trị phi vật chất).

Bên cạnh đó, một số người cho rằng phải có quan hệ tình dục với nhau trong nhà nghỉ, khách sạn mới là hối lộ tình dục là không đúng. Chỉ cần có sự thống nhất, thỏa thuận về mặt ý chí, có ghi âm, ghi hình, có người làm chứng, các bên thừa nhận... đã có thể chứng minh được hành vi phạm tội này - Luật sư Hà nhấn mạnh.