Từ 1-1-2023, Cảnh sát cơ động sẽ được ưu tiên về nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Luật Cảnh sát cơ động 2022 vừa được công bố theo Lệnh của Chủ tịch nước, từ 1-1-2023, Cảnh sát cơ động (CSCĐ) sẽ được ưu tiên về nhà ở xã hội. Sĩ quan CSCĐ được bố trí nhà ở công vụ.

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ CSCĐ, Điều 25 Luật CSCĐ nêu rõ, cán bộ, chiến sĩ CSCĐ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ CAND.

Cán bộ, chiến sĩ CSCĐ khi phục vụ tại ngũ được hưởng các chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất nhiệm vụ và địa bàn hoạt động. Sĩ quan CSCĐ được bố trí nhà ở công vụ.

Bên cạnh đó, Điều 30 Luật này cũng quy định, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ưu tiên thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ CSCĐ theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện cho CSCĐ;

Hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của CSCĐ phù hợp với khả năng của địa phương; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cảnh sát cơ động.

Luật Cảnh sát cơ động 2022 bổ sung thêm nhiều quyền hạn cho CSCĐ

Luật Cảnh sát cơ động 2022 bổ sung thêm nhiều quyền hạn cho CSCĐ

Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ yêu cầu UBND các cấp có trách nhiệm bảo đảm và tạo điều kiện để CSCĐ thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Như vậy, so với quy định tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013, các yêu cầu về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với lực lượng cảnh sát cơ động tại Luật Cảnh sát cơ động 2022 đã cụ thể, rõ ràng hơn.

Ngoài nội dung trên, Luật CSCĐ còn nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm. Đó là hành vi chống đối, cản trở hoạt động của CSCĐ; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ CSCĐ trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ;

Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSCĐ;

Mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sĩ CSCĐ làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

Giả danh cán bộ, chiến sĩ CSCĐ; giả mạo phương tiện, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, con dấu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của CSCĐ.

Đặc biệt, Luật cũng nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ CSCĐ lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.