Từ 1-1-2022: Áp dụng hàng loạt chính sách mới nổi bật về xuất khẩu lao động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cấm thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị ngược đãi quấy rối tình dục, người đi XKLĐ không phải đóng BHXH 2 lần… là những quy định mới quan trọng có hiệu lực từ 1-1-2022 tới.

Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định 17 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi thu tiền môi giới của người lao động.

Ngoài ra, Luật này còn nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động, tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật; Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định; Áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác ngoài ký quỹ và bảo lãnh quy định tại Luật này;

Ngoài nội dung trên, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn nêu rõ, người đi xuất khẩu lao động được yêu cầu về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc nơi ở mới sau khi về nước theo quy định của Luật Cư trú trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Bên cạnh đó, người lao động còn có nghĩa vụ làm việc đúng nơi quy định; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân thủ sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động…

Đặc biệt, theo Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người đi xuất khẩu lao động không phải đóng BHXH 2 lần. Điểm g khoản 1 Điều 6 Luật này quy định người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần…

Luật cũng quy định thêm danh mục các khu vực cấm đi làm việc ở nước ngoài như: Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự; Khu vực đang bị nhiễm xạ, bị nhiễm độc hoặc đang có dịch bệnh nguy hiểm.

Về điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đã được Luật mới điều chỉnh tại Điều 10. Theo đó, doanh nghiệp cần đáp ứng thêm các điều kiện như: Có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước; Người đại diện theo pháp luật có ít nhất 5 năm kinh nghiệm (quy định hiện hành là 3 năm) trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm…

Một trong những nội dung nữa đáng chú ý của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là, quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ được phép thu từ người lao động.

Cũng theo Luật này, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.