Từ 1-1-2016: Hà Nội bắt đầu cấp Căn cước công dân

ANTĐ - Từ ngày 1-1-2016, Luật Căn cước công dân (CCCD) chính thức có hiệu lực thi hành.

Từ 1-1-2016: Hà Nội bắt đầu cấp Căn cước công dân ảnh 1Giấy CMND 12 số có giá trị ngang căn cước công dân
(Trong ảnh: Cấp giấy CMND 12 số tại CAH Gia Lâm, Hà Nội)

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Danh Quảng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH-CATP Hà Nội cho biết:

- Từ ngày 21-4-2014, CATP Hà Nội đã triển khai việc cấp CMND 12 số thay thế cho CMND 9 số trên toàn thành phố và đến ngày 1-1-2016 tới đây sẽ triển khai cấp CCCD cho các đối tượng đủ yêu cầu. Về cơ bản CMND 12 số và CCCD hoàn toàn giống nhau. Cả hai cùng được cấp tại thời điểm công dân đủ từ 14 tuổi trở lên. Với 20 cột mục được quy định tại 2 loại giấy tờ này, chỉ khác nhau ở 3 điểm, đó là tên gọi CMND được thay bằng CCCD; dân tộc được thay bằng quốc tịch; dấu của Bộ Công an được thay bằng Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam. 

Một điểm khác nữa là, hạn sử dụng của CMND là 15 năm thì đối với CCCD, sau lần cấp đầu tiên, công dân phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi công dân không cần phải đi đổi CCCD.

- Xin Thượng tá cho biết mức phí đối với việc chuyển đổi sang CCCD được quy định ra sao? 

- Giấy CMND 9 số, 12 số và CCCD là 3 loại giấy tờ có giá trị ngang nhau. Hiện nay CATP Hà Nội đã dừng cấp CMND 9 số, chuyển dần sang 12 số với những người hết hạn 15 năm, những người cấp mới, cấp đổi. Việc chuyển sang cấp CCCD chỉ là điều chỉnh bổ sung phần mềm của hệ thống sản xuất, cấp, quản lý CMND 12 số hiện nay. Đặc biệt để khuyến khích người dân làm thẻ CCCD, ngày 9-11, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 170 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí thẻ CCCD. 

Theo đó, công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp CCCD lần đầu; đổi thẻ CCCD khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi; đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD do lỗi của cơ quan quản lý CCCD sẽ hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, những người đã có CMND 9 số, 12 số khi đổi sang CCCD lần đầu cũng không phải trả phí. Khi chưa đến hạn đổi nhưng do có thay đổi về nội dung trên thẻ, công dân chỉ phải trả 50.000 đồng và 70.000 đồng khi có nhu cầu cấp lại thẻ mới. 

Từ 1-1-2016: Hà Nội bắt đầu cấp Căn cước công dân ảnh 2

Mặt trước, mặt sau thẻ Căn cước công dân

- Từ đủ 14 tuổi công dân mới được cấp CCCD lần đầu tiên, vậy số ghi trên thẻ CCCD căn cứ vào yếu tố nào thưa Thượng tá?

- Theo Luật CCCD, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã phối hợp trong công tác cấp mã số định danh cá nhân trên giấy khai sinh của trẻ mới sinh. Theo đó, mã số định danh cá nhân trên giấy khai sinh sẽ thể hiện nơi sinh, giới tính, năm sinh của trẻ và đây chính là số được ghi trên thẻ CCCD. Công dân nào đã có CMND 12 số khi chuyển sang thẻ CCCD sẽ được giữ nguyên số cũ. 

- Là một đơn vị đi đầu trong triển khai cấp CMND 12 số, đến nay là thẻ CCCD, CATP Hà Nội đã chuẩn bị nhiệm vụ này như thế nào?

-  Là đơn vị đầu tiên thí điểm chuyển từ CMND 9 số sang 12 số, CATP Hà Nội đã có bước chạy đà cấp thẻ CCCD từ cách đây hơn 1 năm. Để triển khai, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 264 về chuyển đổi chức năng của hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CMND sang sản xuất, cấp và quản lý CCCD. 

Theo đó đã phối hợp với Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư tổ chức công bố công khai, rộng rãi các quy định của pháp luật về CCCD trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân, các cơ quan tổ chức biết và thuận tiện trong giao dịch. Tổ chức cập nhật phần mềm và chuyển đổi dữ liệu của hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CMND sẵn sàng cho việc cấp thẻ CCCD. Tập huấn cho hơn 200 CBCS trực tiếp làm nhiệm vụ cấp thẻ CCCD tại 31 điểm của thành phố. Tính đến ngày 15-12, mọi công tác chuẩn bị cấp thẻ CCCD của CATP Hà Nội đã hoàn tất, người dân nếu có hồ sơ đầy đủ và hợp lệ có thể được cấp, đổi thẻ CCCD dễ dàng mà không gặp bất cứ trở ngại nào. 

-  Xin cảm ơn Thượng tá về cuộc trao đổi!

 

Thông tư 61/2015 quy định về mẫu thẻ căn cước công dân mới được Bộ Công an ban hành, thẻ Căn cước công dân hình chữ nhật, bốn góc được cắt tròn, chiều dài 85,6 mm, chiều rộng 53,98 mm, độ dày 0,76 mm.

Mặt trước thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin sau: 
Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp thẻ Căn cước công dân cỡ 20mm x 30mm; có giá trị đến...; bên phải, từ trên xuống: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN”; số; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú.

Mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin: Trên cùng là mã vạch hai chiều; bên trái, có 2 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải của người được cấp thẻ Căn cước công dân; bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ Căn cước công dân; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân.

ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hà Nội chắc chắn sẽ làm tốt

“Từ 1-1-2016 tới đây, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc cấp thẻ Căn cước công dân theo Luật Căn cước công dân được Quốc hội thông qua cuối năm 2014. Do là địa phương đầu tiên triển khai nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định, song với bề dày kinh nghiệm, Hà Nội chắc chắn sẽ làm tốt. Trước tiên, CATP đã và đang thực hiện việc cấp CMND mới (12 số) thay CMND cũ (9 số), do đó đã được trải qua một cuộc tập dượt để sẵn sàng cho việc cấp Căn cước công dân. CATP cũng được giao là cơ sở quản lý dữ liệu cá nhân của công dân, có hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đồng bộ, hiện đại.

Mặt khác, nhận thức của người dân Thủ đô về các chủ trương này cũng cao hơn. Đây là một chủ trương mới nên cùng với việc triển khai, CATP Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền để cho người dân Thủ đô thấy được việc cấp thẻ Căn cước công dân vừa là thực hiện theo luật, vừa đem lại nhiều lợi ích hợp pháp cho cá nhân mình. Tuy nhiên, do CMND còn gắn với nhiều thủ tục, tài sản liên quan khác của công dân nên việc cấp thẻ Căn cước công dân cần lộ trình cụ thể. Trước mắt, vẫn công nhận giá trị của CMND để tạo thuận lợi cho người dân”.