TSKH Đoàn Hương: Vô cảm là lớp cặn nổi trên bề mặt xã hội

ANTĐ -  Càng ngày, chúng ta càng phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng, những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chuyện nữ sinh đánh nhau được các bạn cổ vũ nhiệt tình, chuyện bác sĩ thờ ơ, tắc trách làm chết bệnh nhân, chuyện bảo mẫu, cha mẹ bạo hành con trẻ đếnchết, chuyện những vụ án giết người man rợ… khiến người ta không khỏi bàng hoàng về sự suy đồi đạo đức mà biểu hiện rõ nhất là sự vô cảm của con người. Người ta lo ngại “bệnh vô cảm” đang có sức lây lan rất lớn, len lỏi khắp mọi ngóc ngách của đời sống xã hội.  Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương đã có những chia sẻ về vấn đề này.
TSKH Đoàn Hương: Vô cảm là lớp cặn nổi trên bề mặt xã hội ảnh 1


- Gần đây, dư luận rất bức xúc trước nhiều sự việc đau lòng trong xã hội mà ở đó thấy hiển hiện rõ ràng sự vô cảm giữa chính con người với nhau. “Căn bệnh vô cảm” đang có nguy cơ lan rộng, bà có nghĩ vậy không?

- Thực sự nếu nhìn vào hiện tượng thì quả là đáng sợ. Trong y tế thì bác sĩ thờ ơ với nỗi đau của bệnh nhân,  y tá thì ăn bớt vắc xin của trẻ em, dù biết nó có thể để lại những hậu quả khôn lường, doanh nghiệp thì chôn thuốc trừ sâu xuống đất mà không nghĩ đến hậu quả gây ra cho đồng loại, công quyền thì thờ ơ với dân, ngoài đường thấy tai nạn người ta tụ tập lại vì tò mò nhiều hơn là tìm cách đưa nạn nhân đi cấp cứu… Ngay một lần tôi đã từng chứng kiến ở đường Đại Cồ Việt, có một nữ khách nước ngoài bị tai nạn ô tô, vậy mà tất cả mọi người không ai giúp đỡ bà ấy mà để mấy tiếng sau xe cấp cứu mới tới… Rồi thì càng ngày càng nhiều những hình ảnh vô cảm đến thiếu đạo đức của giới trẻ được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo, như nữ sinh cởi đồ, xé áo, thậm chí là đánh nhau đến chết… Điều đáng nói là nhiều người thay vì can thiệp lại đứng nhìn như một trò tiêu khiển, rồi còn cổ vũ, hò hét. Tội phạm giết người thì ngày càng rùng rợn… Những thực tế đó là “tiếng chuông” báo động về sự vô cảm. Dù vậy, tôi nghĩ đó chỉ là những hiện tượng, chỉ là lớp cặn nổi trên bề mặt xã hội mà thôi. Không chỉ ở ta mà ở các nước phát triển cũng phải đối mặt với điều đó.

- Nhưng rõ ràng sự vô cảm đang có tỷ lệ thuận với sự phát triển của xã hội?

- Đúng vậy. Trước ở thời chúng tôi gần như không có sự vô cảm. Chiến tranh tất cả mọi người che chở, yêu thương nhau, ai vô cảm được với máu. Nhưng giờ chúng ta đã hòa bình, kinh tế phát triển, con thuyền thúng đã ra biển lớn. Con người đang bị va chạm với nhiều luồng văn hóa, bị thử thách bởi sóng to gió lớn, bởi vật chất. Và con người có đứng vững được hay không, phụ thuộc rất lớn vào giáo dục.

- Nói vậy, giáo dục đạo đức của chúng ta là có vấn đề? Theo bà, giáo dục của Việt Nam cần phải thay đổi thế nào để phát triển nhân cách con người?

- Chúng ta cần một nền giáo dục không giáo điều, lý thuyết khô khan, nặng nề, thay vào đó những bài học sinh động, thực chất dể phát triển tâm hồn, nhân cách, nhân phẩm của mỗi học sinh. Ngày trước chúng tôi học nhẹ nhàng lắm. Trẻ mẫu giáo thì chỉ cần “Bà còng đi chợ trời mưa/ Cái Tôm cái Tép đi đưa bà còng…/ Tiền bà trong túi rơi ra/ Tép tôm nhặt được trả bà mua rau”. Như thế là thật thà rồi, cần gì phải dạy “thật thà là gì”. Hay kể chuyện Tấm Cám để hiểu được cái nhân ái, cái hiền từ của cô Tấm. Có một lần đến một ngôi trường ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi thấy giáo viên đặt vấn đề với các em học sinh thế này: Cô tấm được chui ra từ quả gì? Quả chuối, quả thị, quả mít, quả na… Tôi không hiểu dạy cái đó để làm gì. Trẻ con nó phải biệt tại sao cô Tấm lại chui ra từ quả thị, bởi vì quả thị nó thơm thảo và người ta không bao giờ ăn quả thị. Chúng ta đừng đặt nặng vấn đề lý thuyết. Dạy đạo đức, giáo dục công dân mà lại dạy chủ nghĩa duy vật biện chứng, quy luật giá trị của Mác thì học sinh 14, 15 tuổi làm sao hiểu được. Và nữa là phổ thông rất nhiều môn, chúng ta cứ nhồi nhét thật nhiều kiến thức, nhưng lại không có môn văn hóa. Cả thế giới dạy từ văn hóa, mà mình không có môn văn hóa thì thật là đáng tiếc.

- Nhưng nếu chỉ đổ lỗi cho ngành giáo dục thì nặng nề quá?

- Đúng thế. Giáo dục thì có nhiều khía cạnh: Giáo dục của xã hội, của nhà trường, của gia đình nhưng quan trọng nhất vẫn là gia đình. Giáo dục không chỉ đơn thuẩn là thầy cô lên lớp. Tôi cũng là giáo viên, nếu chỉ có 8 giờ trên lớp nói những điều tốt đẹp mà không có sự phối hợp của gia đình và xã hội thì toàn bộ công sức của chúng tôi đổ xuống sông xuống biển hết. 

Chúng ta vẫn nói gia đình chính là tế bào của xã hội, gia đình mà tốt đẹp thì xã hội mới tốt đẹp được. Chính bố mẹ phải là tấm gương dạy con sự đồng cảm với những người xung quanh. Giờ nhiều gia đình quá tập trung vào kinh tế mà quên mất việc giao tiếp, dạy dỗ con cái. Nhiều đứa trẻ suốt ngày chỉ giao lưu với thế giới ảo trên mạng, với những cảnh bạo lực chém giết man rợ… Điều đó không tránh khỏi sự thờ ơ, lãnh đạm với những việc xung quanh. Nhiều đứa trẻ lại được cha mẹ quá cưng chiều, đáp ứng mọi đòi hỏi, vô tình khiến nó mất đi sự chia sẻ, quan tâm, trách nhiệm với người thân, bạn bè.

- Còn một sự vô cảm khác  đó là sự bàng quan, thờ ơ với những điều sai trái?

- Tôi nghĩ chúng ta phải xem nguyên nhân, khuyết điểm từ đâu. Hiện nay chúng ta chống tham nhũng nhưng lại chưa quyết liệt. Những người tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng mà án có 10 năm. Ở nước ngoài, những nhân vật “lệnh trời” khi tham nhũng người ta sẵn sàng xử chung thân. Hay như vụ ở Bệnh viện Hoài Đức, người ta dám hy sinh cả sự nghiệp để chống tham nhũng, cuối cùng phần thưởng có mấy trăm nghìn và một cái giấy khen do chính ông Giám đốc bệnh viện, nơi xảy ra tiêu cực trao. Có phải chua chát không. Thế nên làm người chống tham nhũng người ta gọi là chống trời là vậy.

- Bà thấy văn hóa của giới trẻ hiện nay như thế nào?

- Các bạn trẻ hiện nay nhiệt tình, nhiệt huyết lắm chứ. Nhưng khi ra xã hội họ lại bị sốc, bị mất niềm tin, thất vọng. Đó là tình trạng quan liêu, tham nhũng, “phong bì”, người lớn không còn là tấm gương đạo đức cho giới trẻ, khiến đạo đức bị suy giảm. Hay như chính truyền thông cứ thích đẩy các sự việc đó lên bề nổi, truyền thông chỉ thích phản ánh sự việc để câu khách mà thiếu đi định hướng. Chẳng hạn Bà Tưng, hay cô người mẫu Ngọc Trinh, gì mà nói nhiều thế, vào đề văn làm gì. Cỏ dại thì bao giờ cũng có, nhưng chúng ta phải nhổ đi. Như ở Mỹ đấy, bao nhiêu vụ xả súng kinh hoàng, nhưng báo chí họ chỉ nói lên một cái rồi thôi, họ không dùng cái đó để câu khách, giật gân.

- Bà có nghĩ lối sống thực dụng  “vo tròn” ngày càng ăn sâu hơn vào văn hóa xã hội, chủ nghĩa cá nhân, vật chất đang xâm chiếm sự bao dung, nhân ái?

Tôi phải nói lại là nếu nhìn tổng quan thì đó chỉ là những hiện tượng chứ không phải là bản chất. Các hiện tượng đó gây bức xúc, tất nhiên, và đó là hồi chuông báo động cho đạo đức xã hội. Một xã hội, con người muốn phát triển nói như triết học phải có sự trả giá của nó. Phải có sự tích cực, tiêu cực, nhưng đừng bi quan cho rằng sự việc như thế là hỏng rồi. Bao giờ tôi cũng tin về cái thiện của con người. 

Chúng ta cứ nhìn vào đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ấy là lúc cả xã hội siết lại với nhau trong một khối đoàn kết, người ta đem nước, đem bánh mì vào sẻ chia cho những người xếp hàng, đó chính là niềm tin, là lý tưởng cách mạng… Hay vẫn có những người xả thân cứu người bị nạn mà chúng ta vẫn đọc được, có bao nhiêu giáo viên vùng sâu vùng xa cực kỳ gian khổ, họ có vô cảm đâu…

- Trân trọng cảm ơn bà đã chia sẻ!