TS Võ Trí Thành: Tìm điểm cân bằng để gỡ nghẽn dòng tiền cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo TS Võ Trí Thành, chúng ta phải tìm được điểm cân bằng giữa các mục tiêu, quan trọng nhất không gây ra sự đổ vỡ thị trường, bởi “nếu để vỡ trận thì cái gì cũng sẽ vỡ”.

Theo TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, từ câu chuyện chính sách, từ các kênh dẫn vốn: tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu đều đang tắc nghẽn, doanh nghiệp đang gặp khó khăn vô cùng lớn về thanh khoản.

“Hơn nữa, tâm lý thị trường hiện nay là tâm lý phòng thủ rất cao, người ta có thể có tiền nhưng không muốn xuống tiền, nói vui trong giai đoạn này thì 'ai có tiền mặt là vua'. Đó là những lý do vì sao thanh khoản hiện nay lại khó khăn như vậy” – vị chuyên gia nói thêm.

Theo ông, cái khó lớn nhất hiện nay là cùng lúc chúng ta phải xử lý 3 bài toán:

Thứ nhất là ổn định vĩ mô. Thứ hai là tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế. Cán cân thanh toán quốc tế của chúng ta (dòng tiền ra, dòng tiền vào) tuy không quá khó khăn nhưng không còn đẹp như những năm trước đây. Thứ ba là câu chuyện an toàn của hệ thống ngân hàng.

“Ở góc độ của doanh nghiệp, nhu cầu vốn là nhu cầu rất là chính đáng. Ở góc độ của người tiêu dùng thì nhu cầu là thu nhập, là đảm bảo đời sống là nhu cầu chính đáng. Góc độ người quản lý vĩ mô thì an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô cũng rất quan trọng.

Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm được điểm cân bằng, quan trọng nhất không gây ra sự đổ vỡ. Bài học của thế giới có rồi, nếu để vỡ trận bất động sản thì cái gì cũng vỡ. Đó là cái giỏi cái khéo khi tìm điểm cân bằng để làm sao có thể khó nhưng không khó quá, có thể tác động tiêu cực nhưng không tiêu cực quá.

Quan trọng nhất là không gây ra sự đổ vỡ ở thị trường bất động sản, ở hệ thống ngân hàng hay ở niềm tin thị trường và xã hội” – vị chuyên gia nêu quan điểm.

TS Võ Trí Thành

TS Võ Trí Thành

Đối với tín dụng ngân hàng, nhất là tín dụng bất động sản, TS Võ Trí Thành cho biết, với Việt Nam còn có mấy đặc thù sau:

Thứ nhất, trong những tháng đầu năm nay, do nhu cầu phục hồi kinh tế, tốc độ tăng tín dụng rất mạnh. Cả năm nay chúng ta định room tín dụng là khoảng 14% nhưng nếu so từng tháng của năm nay so với năm ngoái thì có những thời điểm tốc độ tăng room tín dụng đạt tới 17%, nhưng tổng cung tiền chỉ tăng 5-6%, dẫn đến áp lực thanh khoản đối với không ít ngân hàng rất khó khăn, đòi hỏi phải tăng lãi suất để huy động vào.

Thứ hai, mặc dù NHNN đã nhiều năm trì hoãn giảm dần tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhưng nhiều tháng đầu năm nay, tỷ lệ tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản (cả cho nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng cá nhân vay để sửa chữa nhà hay đầu tư thứ cấp) thì lại tăng nhanh hơn mức tăng trung bình của tín dụng.

Khi cho vay trung và dài hạn thì khoản nợ có thể thu lại được theo thời gian lại giảm đi, chưa nói đến các vấn đề khó khăn, nợ xấu khi cho vay trung và dài hạn. Khoản cũ thu lại chậm thì cho vay cũng khó.

“Tôi muốn nói là bên cạnh khó khăn tổng thể thì có những đặc thù của hệ thống tài chính của mình, cũng như hoạt động huy động tín dụng trong năm nay. Có những giai đoạn có ngân hàng huy động được 10 đồng thì cho vay 9,5 đồng” – ông nói.

Một lý do nữa, theo vị chuyên gia, đó là một lượng tiền rất lớn hàng trăm nghìn tỷ đồng của ngân sách qua phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư công phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển chưa chi được.

“Chúng ta rất hi vọng đầu tư công sẽ trở thành động lực nhưng rất tiếc đầu tư công lại chậm” – ông nói.

Để tìm điểm cân bằng giữa các mục tiêu, theo TS Võ Trí Thành, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm thế giới để áp dụng thực tế tại Việt Nam.

“Khó khăn của Việt Nam có thể không hoàn toàn tương đồng với thế giới về quy mô, mức độ, cách thức tạo ra nguồn vốn cho thị trường bất động sản, nhưng có thể tham khảo thế giới.

Vừa qua Trung Quốc đã có chương trình giải cứu bất động sản gồm 16 điều, tôi thấy tinh thần có 3 điểm cơ bản: Một là nới ít nhiều điều kiện cho vay đối với bất động sản; hai là nới ít nhiều tín dụng cấp cho người đi mua nhà ở; ba là tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu quay lại vận hành.

Chương trình này khá cụ thể, tôi nghĩ là Việt Nam có thể nhìn vào đấy để có cách. Như trên phương tiện truyền thông đã nói, hiện nay Chính phủ đã có giải pháp gỡ khó từ tổng thể dòng tiền gắn với ba điều tôi đã nói, là ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống tài chính ngân hàng và phục hồi, gỡ khó cho sản xuất kinh doanh” – vị chuyên gia chia sẻ.