Truyền nhân giữ gìn “linh hồn” bản Tày

ANTĐ - Đó là bà Hoàng Thị Cứ, 70 tuổi, người dân tộc Tày ở bản Nặm Khào, xã Vĩnh Yên (Bảo Yên - Lào Cai). Bà là truyền nhân của những điệu hát Then cổ. Bà đã sưu tầm và giữ gìn được trên 2.000 bài hát, bài thơ cổ của dân tộc Tày.

“Vô tình” yêu Then

Từ thị trấn Phố Ràng, vượt qua quãng đường dài hơn 20 cây số, chúng tôi tìm đến gia đình bà Hoàng Thị Cứ. Ngôi nhà sàn cổ kính gần trăm tuổi ngự giữa bản Nặm Khào với muôn sắc hương xuân càng tôn thêm vẻ đẹp của miền sơn cước, ngôi nhà ấy đã gắn bó với gia đình bà Cứ như một báu vật. Giờ đây, báu vật ấy đang là nơi trú ngụ của cả bốn thế hệ họ Hoàng.

Trong ngôi nhà ấy, nhìn đâu cũng thấy những bằng khen, giấy khen. Hỏi ra mới biết, đó là những “bằng chứng” cho những “chiến công” mà bà Cứ có được sau nhiều cuộc thi văn nghệ trên huyện, tỉnh và cả Trung ương nữa. Đã bước qua hơn nửa đời người, ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng người nghệ nhân hát Then vẫn miệt mài ngày đêm sáng tác, sưu tầm những làn điệu hát Then, câu thơ mà chỉ người Tày mới có, mới hiểu được và thấm thía hết những gian lao nhọc nhằn mà người nông dân lưu truyền qua lời bài hát.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Tày. Đến khi đi lấy chồng, cô gái xinh đẹp Hoàng Thị Cứ được gia đình nhà chồng truyền dạy những bài hát Then hay và cổ nhất cùng những bài thơ dân gian của dân tộc Tày bản địa. Khi còn sống, mẹ chồng của bà chính là một “kho sử sống” của người Tày Nặm Khào. Và dĩ nhiên, khi bà Cứ làm dâu cũng là lúc chính thức trở thành truyền nhân của những làn điệu hát Then và những bài thơ Tày vô giá.

Năm 1992, bà Hoàng Thị Cứ đoạt giải nhất cuộc thi “Tiếng hát các dân tộc Lào Cai”. Từ cuộc thi này, bà đã nhận thấy giá trị vô giá mà nền văn hóa dân tộc đem lại. Điều đó đã thúc đẩy bà đến với công việc sáng tác, sưu tầm hát Then và thơ Tày.

Băng rừng lội suối vì Then

Cũng từ đó, bà Cứ lặn lội khắp các bản làng Tày và các dòng họ anh em để tìm lại những câu hát, câu thơ dân tộc đã đi vào quên lãng. Tôi không biết dùng câu chữ nào để kể hết nỗi gian truân của quãng thời gian hơn 20 năm mà bà Cứ đã đi. Không chỉ ở Lào Cai, bà còn vượt sang tận các huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) để gặp các cao niên, già làng ghi chép cẩn thận lại ý tứ của những bài hát dân gian.

Bà Cứ tâm sự: “Mỗi khi tìm lại được một bài hát, bài thơ hay là tôi mừng đến mất ăn mất ngủ. Nhiều khi, tôi phải cẩn thận gói ghém các tác phẩm ấy vào những lớp nilon để không bị ẩm ướt thất lạc…”.

Quả thật, trời không phụ lòng người. Đến nay, bà đã sưu tầm thêm được nhiều bài hát, bài thơ tuyệt vời của dân tộc Tày. Với tài sản trên 2.000 bài thơ, bài hát nói về các phong tục tập quán, đạo lý con người, phong tục cưới xin, những điệu hát giao duyên, hát đối nam nữ, hát mừng trong các lễ hội…

Những câu thơ đố như: “Món gì ăn cả con không có ruột (con nhộng), món gì đun nước lã lại ngọt (nước muối), món gì đánh thức giấc ngủ thiên hạ (tiếng gà gáy)…” đều được bà ghi chép rất cẩn thận. Đó thực sự là một kho báu quý giá và là ước nguyện “gìn giữ linh hồn” mà người Tày mong muốn.

Tuy nhiên, việc sưu tầm gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Bà Cứ cho hay: “Những người biết hát, biết làm thơ phần lớn đã mang kho tàng đó “nằm sâu dưới đất”, những người còn sống lại biết rất ít, hầu hết đã ở cái tuổi “không nhớ được gì”, giọng nói ngọng nghịu... nên nhiều khi tác phẩm không đúng với nguyên bản”.

May mắn là phần lớn những bài hát, bài thơ cổ Tày đều được bà ghi nhớ từ hồi còn nhỏ, đến khi đi lấy chồng tiếp tục được mẹ chồng truyền lại nên bà Cứ có thể kết hợp với những gì đã sưu tầm được để phối âm cho hợp lý. Hơn 2.000 bài hát, bài thơ cổ được bà ghi lại trong hơn 300 cuốn sổ bằng song ngữ Tày - Việt.

Nhiều người thắc mắc với bà, tại sao một người phụ nữ không được đào tạo qua một trường lớp nào lại làm được một điều phi thường như vậy? Bà đều dành cho họ chung một câu trả lời: “Vì tôi yêu văn hóa, yêu bản sắc dân tộc mình”.

Ước nguyện cho đời sau

Những tác phẩm mà bà đã sáng tác và sưu tầm được, giờ đây trở thành những tư liệu “độc nhất vô nhị” cung cấp cho Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Lào Cai để bảo tồn, in ấn.

Ngoài ra, những tác phẩm ấy đã và đang được bà truyền dạy cho con cháu và những người yêu thích hát Then. Bà Cứ chia sẻ: “Muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, trước hết người dân tộc phải hiểu văn hóa của dân tộc”. Vì vậy, những năm gần đây, bà đã truyền dạy và tổ chức khôi phục lại các lễ hội, phong tục truyền thống như: lễ hội Pang Luông, lễ hội hát mừng xuân...

Đến nay, bà đã mở một lớp dạy hát, dạy múa dân tộc, lớp học gồm 10 em từ 6 đến 12 tuổi. Các em giờ đã có thể hát, múa thành thạo các bài hát dân tộc Tày và trở thành đội văn nghệ dân tộc của huyện Bảo Yên.

Ngoài ra, các cháu nội, ngoại của bà giờ đây cũng đều biết hát, biết làm thơ, đánh đàn tính. Đó có lẽ là niềm vui lớn nhất của nghệ nhân Hoàng Thị Cứ lúc về già. Sau này khi bà không còn hát được nữa, sẽ có một thế hệ mới tiếp tục công việc mà bà đã tâm huyết, dành hơn nửa cuộc đời để cống hiến.

Với những thành công ấy, năm 2003 bà Cứ đã được công nhận là Nghệ nhân văn hóa dân gian. Bao nhiêu năm cống hiến vì di sản dân tộc, đến nay khi tuổi đã cao, ước mơ lớn nhất của bà là những tác phẩm hát Then sẽ được người Tày đón nhận như một món ăn tinh thần, là “khoăn” (linh hồn) của bản Tày.