"Truyền lửa" cho lớp trẻ

ANTĐ - Mấy năm gần đây, khi Tết cổ truyền đến gần, trong khuôn viên Viện Bảo tàng dân tộc học thường tổ chức cho các em học sinh được tận mắt thấy những việc “bếp núc” ngày Tết như: gói bánh chưng, làm các loại mứt cùng những trò chơi dân gian. Hơn thế, trẻ em còn được các nghệ nhân làng nghề chỉ bảo, dạy cách làm tỉ mỉ, tận tình. Giữ gìn những phong tục, tập quán của dân tộc cho thế hệ con cháu đang được các trường học nhân rộng như một bài học giáo dục công dân thiết thực, bổ ích.

Trong nhịp sống đô thị hối hả, gấp gáp, Tết Nguyên đán đang mai một, mất dần những nét đẹp truyền thống đã tồn tại từ bao đời. Mọi sự chuẩn bị cho một cái Tết hầu như đã có sẵn ngoài thị trường từ chiếc bánh chưng, con gà cúng giao thừa cho tới những món không thể thiếu như dưa hành, cá kho...

Trẻ em chính là những đối tượng chịu thiệt thòi nhất không chỉ về mặt vật chất, điều đáng quan tâm là những giá trị tinh thần trong tâm hồn của tuổi ấu thơ. Mai này khi lớn lên, được đi đến những chân trời châu Âu - Mỹ, trong ký ức, kỷ niệm về gia đình, quê hương, Tổ quốc, dư vị Tết dân tộc còn đọng lại gì nếu như Tết này và những Tết sau trẻ không được ngồi cùng ông bà, cha mẹ rửa từng tấm lá dong, đãi đỗ và có thể tự tay gói những chiếc bánh chưng?

Nếu như trẻ không được ngồi quây quần, chầu chực bên bếp lửa đỏ rực canh nồi bánh sôi sùng sục, thì trong lòng làm sao có “ngọn lửa” gia đình, hơi ấm ngày Tết để có thể chịu đựng và trải qua giá rét, băng tuyết nơi đất khách hay cuộc sống hiện đại, đầy đủ tiện nghi trong những căn hộ chung cư cao cấp? Những cái Tết mà thế hệ trước đã được tận hưởng trong khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp và mãi mãi để lại ấn tượng không thể phai nhạt, thì nay lớp con cháu lại hờ hững, thờ ơ.

Dư luận từng gióng lên hồi chuông thức tỉnh người lớn: “Đừng đánh mất tuổi thơ của trẻ em”, quan tâm giáo dục “kỹ năng mềm” cho trẻ. Dịp Tết cổ truyền chính là thời cơ thuận lợi nhất để chúng ta khỏa lấp những khoảng trống đang có nguy cơ loang rộng trong thế hệ sẽ làm chủ đất nước mai sau. Việc các trường ở Hà Nội đang tổ chức cho học sinh tập gói bánh chưng, vo gạo, đồ xôi, tự tay làm một số loại mứt tết... thật có ý nghĩa sâu xa, đáng khích lệ. Giáo dục truyền thống dân tộc, nếp sống gia đình, bồi đắp tình cảm chân chất, mộc mạc, giản dị của người dân Việt phải được bắt đầu từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt.

Giữ lấy Tết cổ truyền, truyền lại cho lớp trẻ truyền thống dân tộc đâu cần những lời giảng dạy cao sang hoặc những việc làm to tát. “Truyền lửa” cho lớp trẻ là trách nhiệm của các bậc cha mẹ, nhà trường và cả xã hội.