Truy tìm nguyên nhân cháy xe

ANTĐ - Mặc dù Bộ KHCN đã lấy mẫu xăng để xét nghiệm truy tìm nguyên nhân cháy nổ xe máy, ô tô, song đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể. Sáng qua 10-2, Sở KHCN Hà Nội cùng một số đơn vị liên quan đã họp truy tìm nguyên nhân.

Xe cháy, nổ nhiều nhưng vẫn chưa có kết luận

Tổ hợp nhiều nguyên nhân

Tại cuộc hội thảo diễn ra sáng qua 10-2, một nhóm các chuyên gia của ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, chất lượng xăng dầu, chất lượng phụ tùng, chế độ bảo trì không phù hợp và điều kiện vận hành là các nguyên nhân chính gây ra cháy xe. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện cơ khí động lực, Trưởng bộ môn Động cơ đốt trong, ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, hầu hết các vụ cháy đều bắt nguồn từ hệ thống điện và hệ thống xả của động cơ. Theo ông Tuấn, do môi trường nóng ẩm, kết hợp với chất lượng của rơ le và cuộn đề, một số phương tiện sử dụng động cơ xăng và diesel khó khởi động nhất là vào mùa đông. “Do yếu tố này, một số chủ phương tiện đã cố kéo dài thời gian đề, đề nhiều lần. Do tiếp xúc không tốt nên tia lửa điện đã được hình thành tại rơ le đề hoặc dây lửa hay cuộn đề bị quá nóng dẫn tới cháy. Đây cũng là nguyên nhân giải thích cho một số trường hợp cháy xe sau khi đề không nổ nhưng một lúc sau thì phát cháy”, ông Tuấn phân tích.

Bộ phận sạc ác quy cũng là nơi có nguy cơ cháy cao trong trường hợp nhiệt độ trong khoang máy quá nóng và càng có nguy cơ cao khi chủ phương tiện lắp thêm các hệ thống, thiết bị phụ như còi, đèn, bộ phận chống trộm… Các hệ thống này nếu không được lắp đặt đúng cách có thể sẽ đè lên hoặc tiếp xúc với bộ phận sạc làm cho sạc càng bị sấy nóng và gây cháy. Một nguy cơ khác là đường ống xả do chế độ vận hành khắc nghiệt và chất lượng của ống xả không đảm bảo dẫn tới việc lão hóa nhanh, đường ống xả không thông thoáng, khí thải có nhiệt độ cao. Nếu ống thải nóng đỏ, trong trường hợp tiếp xúc với vật liệu dễ cháy sẽ thành nguồn lửa.

Bảo dưỡng định kỳ

Nguyên nhân do xăng dầu khiến xe máy cháy, nổ cũng được đưa ra, tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Người cho rằng không phải tại xăng dầu, người lại kết tội cần xem lại xăng có chứa methanol. “Nếu hàm lượng methanol dưới 5% thì không phải để ý đến tương thích vật liệu nhưng với tỷ lệ cao, khả năng lão hóa đối với các chi tiết làm bằng nhựa, cao su hay polymer càng cao. Tức là có nguy cơ dẫn tới việc bao kín của hệ thống cung cấp nhiên liệu cho động cơ bị suy giảm, dẫn tới rò rỉ nhiên liệu”, ông Tuấn nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Bạch Chúc, Trung tâm hóa chất bảo vệ môi trường cho rằng, điều kiện xảy ra cháy nổ xe phải có sự kết hợp đồng thời của các yếu tố: vật liệu cháy (xăng dầu, ống dẫn nhiên liệu, vỏ dây điện, rác rơm, lông vũ…) tiếp xúc với các tình huống dẫn tạo tia lửa điện (chập trong hệ thống điện, bảo dưỡng không tốt, ống xả bị hở, thủng…) gây ra cháy nổ.

Do đặc thù về môi trường nóng ẩm và hiện tượng tắc đường xảy ra thường xuyên nên khoang động cơ thường hay quá nhiệt. Các chuyên gia cho rằng, hệ thống dây điện, rơ le, tiếp điểm, bộ phận sạc… cần phải có đủ độ bền nhiệt và khả năng làm việc an toàn trong điều kiện trên. Bởi vậy, theo ông Tuấn, chủ phương tiện cần có chế độ bảo trì, bảo dưỡng phương tiện định kỳ. Từ 6 tháng tới 1 năm cần phải mang phương tiện đến các trạm bảo trì có uy tín, thường xuyên để ý phương tiện để sớm phát hiện các hiện tượng quá nhiệt hay rò rỉ nhiên liệu. Bên cạnh đó, các trạm bảo trì, bảo dưỡng phương tiện cũng cần kiểm soát chặt chẽ bằng việc quản lý và quy chuẩn hóa.

Có thể do xăng pha phụ gia

Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng vừa có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ KHCN về một số vụ liên quan đến cháy xe máy, ô tô, tại Hà Nội, chỉ trong 18 ngày đầu tháng 12-2011 đã xảy ra 42 vụ cháy ô tô, xe máy ở nhiều dòng xe khác nhau. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể chủ nhân các phương tiện bị cháy này đã mua xăng tại một số cửa hàng bán xăng dầu hoặc nơi bán xăng dầu trên vỉa hè có pha thêm chất phụ gia (metanol, aceton...) nhằm thu lợi nhuận đã nâng trị số octan lên. Trong khi chất này có thể gây ảnh hưởng đến linh kiện, phụ tùng xe, gây rò rỉ nhiên liệu khi có tia lửa điện dẫn đến cháy nổ hoặc tạo thành một hỗn hợp các chất để tự kích nổ.