Truy tặng Huân chương Sao vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng

ANTĐ -Sáng ngày 15-4,  tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, đã long trọng diễn ra lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng – nguyên quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cố Bộ Trưởng đầu tiên Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và trao tặng huân chương.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang, thượng phủ Tam Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, mất năm 1947 tại thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Cụ là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng tại tỉnh Quảng Nam, cùng với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quí Cáp, là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20. Cụ là chủ bút tờ báo Tiếng Dân.

Ngày 10-8-1926, tờ báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ra đời ở Huế. Ngay từ số đầu tiên, chủ bút Huỳnh Thúc Kháng đã viết lời tuyên ngôn súc tích mà vô cùng độc đáo và dõng dạc cho tờ báo của mình: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Cụ  nổi tiếng với tài năng, đức độ và lòng yêu nước, người dân Việt Nam thường nhắc đến ông với một tên gọi gần gũi “cụ Huỳnh”.

Đại diện chính quyền tỉnh Quảng Nam và gia đình cụ Huỳnh Thúc Kháng 
đón nhận Huân chương Sao vàng truy tặng cụ Huỳnh Thúc Kháng
 do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng.

Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời như một luồng sinh khí mới đủ sức làm chuyển biến nhận thức và hành động của nhà nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Cụ nhận lời mời của Chủ tịch nước Hồ Chí Minh tham gia Chính phủ Liên hiệp, giữ chức Bộ Trưởng Bộ Nội vụ kiêm Hội trưởng Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp năm 1946, cụ Huỳnh được Bác Hồ tín cẩn ủy nhiệm quyền Chủ tịch nước.  

Một trong những “việc khó khăn” đã được giải quyết trong thời điểm này chính là việc thẳng tay trừng trị các phần tử phản động trong các tổ chức đối lập quanh vụ án “Ôn Như Hầu”. Lực lượng Công an lập công xuất sắc, đập tan âm mưu đảo chính, bảo vệ chính quyền còn non trẻ lúc bấy giờ. Với trọng trách được giao, với kim chỉ nam của tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến”, cụ Huỳnh đã sáng suốt, kiên định thực thi những quyết sách đúng đắn, đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù, giữ vững chủ quyền Quốc gia dân tộc.

Tại buổi lễ, Chủ tich nước Trương Tấn Sang đã 1 lần nữa khẳng định những đóng góp to lớn của cụ Huỳnh: “Việc truy tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng – Nguyên quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  là sự ghi nhận đánh giá cao công lao to lớn của cụ đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Cụ là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung và người dân Đất Quảng nói tiêng. Cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp, tài năng, đức độ của nhà văn hóa, chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập, noi theo”.

Sau buổi lễ, Chủ tịch nước đã đến viếng hương nhà thờ cụ Huỳnh tại xã Tiên Cảnh, Tiên Phước.

Tin cùng chuyên mục