Truy lùng kẻ không tặc khét tiếng

ANTĐ - Ở tuổi 68, George Wright sống lặng lẽ cạnh khu nghỉ mát Sintra gần Lisbon, Bồ Đào Nha. Nhưng sáng 26-9, một nhóm cảnh sát Bồ Đào Nha ập vào, trong đó có những người thuộc cơ quan thực thi pháp luật Mỹ vừa đáp máy bay từ New Jersey đến. George Wright chỉ im lặng, 40 năm trốn chạy, ông ta lúc nào cũng thấp thỏm sẽ có ngày này.

Kiểu đòi tiền chuộc không giống ai

Câu chuyện cuộc đời của George Wright giống như một cuốn tiểu thuyết. Năm 1962, ở tuổi 19, George Wright và 3 đồng phạm đã thực hiện một loạt vụ cướp ở New Jersey. Wright và một người nữa đã bắn chết một cựu binh Thế chiến II ở một trạm xăng tại Farmingdale. Ngay sau đó, George Wright bị bắt và bị kết án từ 15 đến 30 năm tù giam. Nhưng năm 1970, mới thụ án được hơn 7 năm, Wright đã trốn thoát khỏi nhà tù bang Bayside ở Leesburg, New Jersey bằng cách ăn cắp xe hơi của viên cai ngục.

Trên đường trốn chạy, Wright đến Detroit, gia nhập Đội quân Giải phóng da màu. Ngày 31-7-1972, Wright và 4 thành viên khác từ sân bay Detroit lên chiếc máy bay Delta 841 khởi hành đến Miami. Wright cải trang thành một linh mục, giấu súng lục trong người. An ninh sân bay thời đó khác xa bây giờ. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, giai đoạn 1968 đến 1972 đã xảy ra 364 vụ không tặc trên toàn thế giới, trung bình mỗi tuần một vụ. Mãi cuối năm 1972, Cục Hàng không liên bang Mỹ mới yêu cầu sân bay kiểm tra tất cả hành khách và hành lý trước khi lên máy bay.

Những tên không tặc trên chuyến bay Delta 841 hôm ấy gồm 3 đàn ông, 2 phụ nữ cùng với 3 trẻ em đi cùng đã giành quyền kiểm soát máy bay khi nó gần đến Miami. Ngay khi vừa tiếp đất, những kẻ cướp máy bay yêu cầu nhân viên FBI đưa 1 triệu USD tiền chuộc lên máy bay, nếu không sẽ nhận được xác con tin. Đây là số tiền chuộc lớn nhất trong các vụ không tặc vào thời điểm ấy.


Không để mất dấu

Vụ không tặc mà George Wright tham gia đã trở thành ưu tiên hàng đầu đối với lực lượng đặc nhiệm bắt truy nã của bang New Jersey khi cơ quan này được thành lập năm 2002. Lực lượng đặc nhiệm, nhân viên FBI kết hợp với cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp mở lại hồ sơ những năm 1970, phỏng vấn nạn nhân của Wright và các phi công của chiếc máy bay bị tấn công hôm đó. Họ đã nỗ lực theo đuổi mọi thông tin liên quan, kể cả những mối liên hệ với gia đình George Wright ở Mỹ. Cuối tháng 9-2011, tức sau 9 năm miệt mài theo dõi, cơ hội đã đến. Dấu vân tay của George Wright đăng ký với chính quyền Bồ Đào Nha hoàn toàn trùng khớp với vân tay mà nhà chức trách Mỹ nắm giữ, ảnh phác thảo cũng tương tự.

Hiện quan tòa Bồ Đào Nha cho phép George Wright được phép tại ngoại với thiết bị kiểm soát điện tử đeo trên người và phải báo cáo nhà chức trách nếu đi ra ngoài. Theo lời tâm sự của George Wright, ông ta gặp vợ mình, bà Maria do Rosario Valente những năm 1970 tại Bồ Đào Nha. Cả hai sau đó chuyển đến quốc gia Tây Phi Guinea-Bissau, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha. Vợ ông ta nhiều năm làm phiên dịch tự do cho Đại sứ quán Mỹ ở Bissau trong khi George Wright trở thành điều phối viên hậu cần cho một tổ chức phát triển phi lợi nhuận của Bỉ cho đến khi cả hai quay lại Bồ Đào Nha năm 1993.

Thành công trong việc bắt được George Wright sau 40 năm lẩn trốn là bằng chứng cho thấy FBI đã không ngừng theo đuổi đối tượng truy nã bất chấp “thời gian và khoảng cách”. Mỹ cũng đang tìm kiếm lệnh dẫn độ của Bồ Đào Nha để George Wright hoàn tất bản án 15 đến 30 năm tù vì tội giết người. Theo luật sư của George Wright, hiện thân chủ mình là công dân Bồ Đào Nha, vì thế George Wright nên được thi hành nốt bản án tại Bồ Đào Nha, đồng thời người này cũng có nhiều vấn đề về sức khỏe. Quyết định về dẫn độ sẽ được tòa án nước sở tại tuyên trong vài tuần sắp tới.