Trút bớt gánh nặng

ANTĐ - Thực ra, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước đã được “khởi động” từ hơn hai mươi năm qua. Trên chặng đường khá dài này, những gì đã “gặt hái” được chẳng đáng là bao so với kỳ vọng. Ở thời điểm bề bộn khó khăn như hiện nay, không biết nên gọi là đang ở giữa đường hay ở cuối con đường tái cấu trúc? Chỉ có thể nói rằng đây là “cột mốc” cần phải tiến hành quyết liệt vì đối tượng cần phải “xử lý” là 86 tập đoàn và tổng công ty lớn có tiềm lực mạnh và có thể gắn chặt với lợi ích nhóm.

Không cần đợi tới cuộc hội thảo “Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước”, nhiều ý kiến của giới chuyên gia đã từng “mổ xẻ” nội tạng khu vực doanh nghiệp này. Đó là sử dụng vốn đầu tư lớn, được ưu ái “chiều chuộng” đủ thứ, chiếm giữ những vị trí ngành nghề đắc địa và độc quyền, song sự đóng góp cho nền kinh tế và xã hội lại không tương xứng, thậm chí đang trở thành gánh nặng trĩu vai.

Trong khi 1 đồng vốn của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chỉ làm ra 0,095 đồng lợi nhuận trước thuế, thì cùng 1 đồng vốn đó của công ty cổ phần, được “lột xác” từ  DNNN lại làm ra 0,19 đồng. Có đến 31% DNNN bị thua lỗ trong sản xuất - kinh doanh; 29% hoạt động không hiệu quả, lỗ lãi “tượng trưng”. Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, gánh nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là 813,435 tỷ đồng. Nếu gộp cả khoản nợ của Vinashin là 86.000 tỷ đồng, thì theo Bộ Tài chính, gánh nợ của DNNN (chưa kể 9 tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu) đã lên tới 54,2% GDP.

Một cuộc điều tra 200 doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất do Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc thực hiện khẳng định rằng “Top 200”  của Việt Nam đang đầu tư đất đai và chứng khoán mà thiếu tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Thay vào đó, các “ông lớn” này đua nhau tìm kiếm lợi nhuận tức thời trong lĩnh vực bất động sản và tài chính. Một tiến sĩ thuộc Học viện Tài chính phân tích, nguyên nhân thất bại trong hoạt động mô hình tập đoàn, tổng công ty mẹ - công ty con là do nhiều đơn vị được cấu trúc theo kiểu “góp gạo thổi cơm chung”, đầu tư lệch hướng và tràn lan. Hệ thống kiểm soát lại không đủ mạnh và nghiêm dẫn tới những khoản vay và đầu tư vượt khỏi tầm kiểm soát. Đã đến lúc không thể chần chừ việc tái cấu trúc DNNN, một trọng tâm của tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng cũng là lĩnh vực nhạy cảm, khó khăn nhất của cuộc chuyển mình sang nền kinh tế thị trường. Tái cấu trúc DNNN không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang tính tư tưởng, chính trị, xã hội và tâm lý.

Cái khó không phải là bắt đầu từ đâu mà là phải ứng xử ra sao. Đại diện Viện Kinh tế chính trị thế giới lưu ý: “Tái cấu trúc không chỉ là... tráo đầu đũa, lau cho sạch sẽ, mà là tư nhân hóa toàn bộ, tư nhân hóa từng phần hay trao quyền tự chủ cho DNNN. Chính phủ cần phải xếp loại DNNN theo cấp độ thị trường. Xem bán cái gì trước, cái gì sau. Tuy nhiên cần lưu ý những lĩnh vực tư nhân không thể tham gia trực tiếp thì phải có bàn tay của Nhà nước”. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, cuộc tái cấu trúc DNNN lần này sẽ là giai đoạn khó khăn hơn so với 20 năm qua vì nó liên quan nhiều tới các nhóm lợi ích.

Dự kiến việc tái cấu trúc DNNN sẽ bắt đầu từ năm 2012, kết thúc vào 2015. Trút bớt gánh nặng cho nền kinh tế, tái cấu trúc để tạo ra hệ thống mới tốt hơn, chứ không phải là “khai tử” khu vực DNNN. Tái cấu trúc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, lợi ích của nhiều chủ thể trong đó có cả nhóm lợi ích. Tuy nhiên, đây sẽ là một cuộc “lột xác”, tạo sự đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế, nếu Chính phủ, các bộ, ngành và DNNN quyết tâm thực hiện triệt để, quyết liệt.