Trượt patin trên đường: Giỡn mặt tử thần

ANTĐ - Trượt patin đã và đang được nhiều bạn trẻ ở các thành phố lớn yêu thích. Và để thỏa mãn lòng đam mê, không ít em sử dụng hè phố, lòng đường làm sân trượt.

Hình ảnh một thanh niên trượt patin bám vào xe taxi đang chạy
khiến nhiều người hoảng hốt

Cá tính hay sự liều lĩnh?

Cuối tháng 6 vừa qua, đoạn clip khoảng 20 giây ghi lại hình ảnh trên đường phố Hà Nội, một nam thanh niên bám vào xe taxi để trượt patin giữa  vô số các phương tiện đang lưu thông khiến không ít người xem phải thót tim trước sự liều lĩnh của thanh niên này. Chị Lê Thị Thu Thảo ở nhà N5B – khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Thanh Xuân chia sẻ: “Nhìn chiếc xe taxi vẫn lao đi với một bạn trẻ bám theo mà tôi rùng mình. Tôi chỉ lo chiếc xe này va quệt với 1 phương tiện đi cùng chiều khác hay cậu thanh niên đó bất ngờ buông tay thì hậu quả khôn lường. Nguy cơ tai nạn không chỉ xảy ra với cậu ta mà còn đe dọa tính mạng của nhiều người tham gia giao thông tại thời điểm đó”. Sau khi xem clip trên, chị Thảo đã quyết định giám sát chặt chẽ thời gian và khu vực trượt patin đối với cậu con trai đang học lớp 6 của mình. 

Để chơi được môn này, người chơi cần có bàn trượt patin hay giầy trượt. Trò chơi này có tác dụng cải thiện sức khỏe, giúp người chơi nhanh nhẹn, khéo léo hơn. Để đảm bảo an toàn, người chơi patin cần đến phòng tập hoặc những địa điểm rộng, thoáng không có phương tiện giao thông qua lại. Tuy vậy, trên địa bàn Hà Nội hiện có rất ít các khu vui chơi nên nhiều thanh thiếu niên đã bất chấp nguy hiểm, trượt patin trên đường. Thậm chí, một số bạn trẻ còn vượt đèn đỏ, bám đuôi nhau đi thành đoàn, lạng lách đánh võng, đeo tai nghe nhạc khi  trượt patin, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Dạo một vòng qua các con phố Trần Phú, Điện Biên Phủ, quanh các công viên, vườn hoa… vào buổi chiều, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh các thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 8-16 trượt patin lao vun vút trên vỉa hè, lòng đường, giữa những dòng phương tiện qua lại như mắc cửi. Ông Nguyễn Xuân Thành – cán bộ hưu trí ở phường Quang Trung, quận Hà Đông, hầu như chiều nào cũng tập thể dục ở vườn hoa gần nhà cho biết: Do khu vực này luôn đông đúc nên một số cháu nhỏ đã thi trượt patin dưới lòng đường. Được sự cổ vũ nhiệt tình của bạn bè, các “tay đua” còn ra sức thể hiện bằng những pha lạng lách, xoay người trên không rất nguy hiểm. Có trường hợp mới tập trượt, không giữ được thăng bằng đã ngã nhào xuống đường, may mà người điều khiển phương tiện phía sau phanh kịp nên chỉ bị xây xát nhẹ.

Cần xử lý nghiêm

Lý giải về hiện tượng trên, một số bạn trẻ đam mê trượt patin cho rằng, việc điều khiển ván trượt len lỏi giữa các phương tiện mang lại cho các em cảm giác mạo hiểm lẫn thích thú. Bên cạnh đó, phí vào các sân trượt patin hiện nay còn cao. Dù patin là môn thể thao tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nhưng hầu như các em đều chơi theo phong trào, mang tính tự phát mà không có người hướng dẫn. Nguy hiểm hơn, có em còn coi đó là một phương tiện để đi lại. Việc chơi patin không đúng kỹ thuật và địa điểm sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là khả năng bị chấn thương cao cho bản thân và những người xung quanh, nhất là khi các em không dùng các phụ kiện bắt buộc phải có như mũ bảo hiểm, bảo hiểm khuỷu tay, khuỷu chân... 

Trượt patin đòi hỏi người trượt phải đi trên đường phẳng. Nếu đường mấp mô hoặc có các chướng ngại, người chơi sẽ gặp nguy hiểm. Ngoài ra, patin giúp người chơi có thể đi lại với vận tốc khá nhanh, song trong trường hợp phải dừng đột ngột, người chơi rất khó để điều khiển tốc độ của ván hay giầy trượt nên rất dễ bị ngã. Hơn nữa, những người tham gia giao thông trên đường cũng rất khó nhận biết hướng đi của người trượt patin nên khả năng xảy ra va quệt là rất cao.

 Theo Luật sư Võ Đình Hải – Đoàn Luật sư Hà Nội, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là: Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Do vậy, trượt patin trên đường giao thông cũng là một trong các hành vi vi phạm Luật này và người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định.  Điểm c, Khoản 1, Điều 11, Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: “Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường giao thông; sử dụng bàn trượt, patin, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy”.

Không thể phủ nhận những tác dụng của môn trượt patin đối với sự phát triển thể chất của thanh thiếu niên. Song để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ giờ giấc, địa điểm vui chơi của con em mình và chú ý trang bị cho trẻ các dụng cụ bảo hộ, phổ biến các quy định về Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm các quy tắc về an toàn giao thông.