Di sản văn hóa biển Việt Nam:

Trường tồn cùng biển đảo

ANTĐ - Từ thế kỷ III trước Công nguyên, một tuyến giao thương đường biển kết nối phương Đông với phương Tây đã được thiết lập bởi hành trình buôn bán gia vị, hương liệu của các thương gia Ấn Độ, Arập. Tuyến đường cổ xưa này nhanh chóng trở thành một hành trình văn hóa, tôn giáo.

Nhiều cổ vật được tìm thấy bên trong những con tàu đắm


“Con đường gia vị”

Tại  Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang diễn ra cuộc triển lãm trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa biển Việt Nam”. Tại đây, nhiều hiện vật độc đáo chưa bao giờ xuất hiện được công bố, phần nào tái hiện thời kỳ giao thương bằng đường biển vô cùng nhộn nhịp. Bằng nhiều tư liệu, hiện vật khảo cổ học thu được tại Cattigara (lưu vực sông Hồng), Luy Lâu (Bắc Ninh), Hội An, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Óc Eo (An Giang), các nhà khoa học đã dựng lại được tấm bản đồ “Con đường gia vị”, “Con đường hương liệu” trên biển giữa phương Đông với phương Tây.

Có thể khẳng định: Khởi thủy, tuyến đường giao thương trên biển nối từ vùng cửa sông Hồng, Vịnh Bắc bộ chạy dọc theo bờ biển Việt Nam trên Biển Đông, đi qua Vịnh Thái Lan, eo biển Malacca, Sri Lanka, Ấn Độ tới Vịnh Ba Tư và Biển Đỏ. Từ các cảng trên Biển Đỏ, hàng hoá được vận chuyển dọc theo sông Nile để đến Alexandria và sau đó tiếp tục đến Rome, Constantinople và các cảng khác xung quanh bờ Địa Trung Hải. Sản phẩm giao thương giai đoạn này chủ yếu là các loại gia vị như thảo quả, quế, gừng, nghệ, hạt tiêu, nhục đậu khấu, đinh hương… và các loại hương liệu như trầm hương, bạch đàn, long não… nên hải trình thương mại này còn được gọi là “Con đường gia vị” hay “Con đường hương liệu”. 

Nhiều thư tịch cổ của các nền văn minh cổ đại La Mã, Ba Tư, Ấn Độ, Trung Hoa tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ học trong và ngoài nước đã góp phần làm dày thêm tư liệu cho các nhà khoa học trong việc dựng lại những hải trình trên.

Theo đó, xuyên suốt quá trình phát triển, điểm cực Đông của “Con đường tơ lụa trên biển” dần phát triển lên một số cảng phía Nam Trung Quốc như Hợp Phố, Từ Văn, Tuyền Châu, Phúc Châu, Ninh Ba…, đồng thời hàng hóa giao thương cũng mở rộng sang nhiều loại sản phẩm khác như tơ lụa, gốm sứ… “Con đường gia vị”, “Con đường hương liệu” từng được khẳng định thông qua các tài liệu lịch sử của Nhật Bản, Trung Quốc và các nước châu Âu. Phải nói đến đầu tiên là tuyến hải trình buôn bán hương liệu trên biển. Xuất phát từ nhu cầu thưởng thức Hương đạo của người Nhật Bản, con đường buôn bán hương liệu chủ yếu là trầm hương và già nam hương trở nên vô cùng nhộn nhịp. Nhiều đoàn thương nhân đến và đi thông qua con đường biển đã góp phần làm nên một tuyến hải trình nhộn nhịp bậc nhất thời bấy giờ. Thêm vào đó, Việt Nam có đường bờ biển dài lại nằm ở vị trí huyết mạch nên nhanh chóng tham gia và trở thành trung tâm của tuyến hải trình này. 

Khẳng định chủ quyền

Những hiện vật gốm sứ được tìm thấy trên tàu cổ Hòn Cau có niên đại từ năm 1690

Chúng ta thường quen với cụm từ “Con đường tơ lụa” hay “Con đường gốm sứ” trên biển bởi trong vài thế kỷ gần đây, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước về lịch sử hình thành và hoạt động của “Con đường tơ lụa” trên biển. Những nghiên cứu đó phần lớn dựa vào việc thực hiện công tác khảo cổ học tại những con tàu đắm.

Tuy nhiên, với những phát hiện mới được công bố chính thức này, các nhà khoa học đã bổ sung vào những tài liệu khoa học về vai trò của Biển Đông cũng như các thành phố, thương cảng Việt Nam đối với con đường thương mại kể trên; về mối liên hệ giữa Việt Nam với các nền văn minh, văn hóa dọc theo con đường thương mại trên biển; về quá trình vươn ra biển, khám phá, khai thác kinh tế biển và thực thi chủ quyền lãnh hải của Việt Nam… Rất nhiều hiện vật như: đồ gốm, đồ đồng thời Bắc thuộc hàm chứa thành tố giao lưu văn hóa; Đá lạt ma, đồ trang sức thủy tinh, mã não có nguồn gốc ngoại nhập đã được tìm thấy ở mộ cổ Mạo Khê, Thủy An, Quảng Ninh và tại di chỉ Lai Nghi, di chỉ Giồng Cá Vồ hay đồ gốm thời Đường vớt tại tàu đắm ở vùng biển Vũng Tàu; đồ gốm Islam, Trung Hoa thời Đường, đồ trang sức bằng thủy tinh, mã não, quả cân đồng, đồ thủy tinh màu Islam của Ấn Độ (thế kỷ VII - IX) tìm thấy tại di chỉ khảo cổ học Bãi Làng - Cù Lao Chàm… đã khẳng định sự giao thương với nước ngoài ở các cảng thị cổ.

Cư dân ở đây đã có những mối liên hệ đường biển xa tới Đông Nam Á hải đảo và Ấn Độ. Không chỉ là địa chỉ giao thương, các vương triều Đại Việt cũng tích cực tham gia, sử dụng tuyến hải trình trên để xuất khẩu hàng hóa. Nhiều tàu buôn bị đắm chở đồ gốm Việt Nam xuất khẩu thời kỳ này cũng đã được phát hiện và khai quật như tàu đắm Cù Lao Chàm (Hội An), tàu đắm ở vùng biển Cà Mau, Pandanan (Philippines), Rang Kwian, Ko Si Chang (Thái Lan)…

Những bằng chứng lịch sử xác đáng và vô cùng quan trọng được công bố trong thời gian qua, phần nào khẳng định vị thế quan trọng của Việt Nam trong việc giao thương buôn bán trên biển với các nước trên thế giới, cũng như khẳng định chủ quyền biển đảo đối với Biển Đông và các vùng hải đảo.

(Còn nữa)