Trường Tiểu học Quang Trung - quận Đống Đa: Nhiều khúc mắc cần làm rõ

ANTĐ - Trong đơn gửi Báo An ninh Thủ đô, một số giáo viên dạy môn chuyên biệt trong Tổ văn thể mỹ - trường Tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa phản ánh, mặc dù đây là trường loại 2 (21 lớp), kế toán kiêm văn thư, song, từ nhiều năm nay kế toán của trường chỉ làm công việc chuyên môn, không phải kiêm nhiệm, nhiều hôm chỉ đi làm 1 buổi/ngày nhưng vẫn được hưởng đủ lương. 

Nhiều khoản thu chi không rõ ràng

Không chỉ có vậy, Hiệu trưởng nhà trường còn chỉ đạo cấp dưới chi trả phụ cấp cho giáo viên sai quy định, không trả tiền cho tiết tăng cường của giáo viên chuyên biệt với lý do đã sắp xếp ngày nghỉ trong tuần, trong khi đó đây là những giáo viên bộ môn nên phải trả tiền căn cứ vào tiết thực dạy. Bên cạnh đó, không biết Hiệu trưởng căn cứ vào quy định nào mà quyết định chi cho giáo viên chủ nghiệm 15.000 đồng/tháng/học sinh bán trú cũng như tính tiền thừa giờ cho một số giáo viên với mức 11.000 đồng /tiết.

Cũng theo những giáo viên này, mặc dù đã có văn bản ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông trong đó có định mức tiết dạy rõ ràng nhưng không hiểu vì lý do gì Hiệu trưởng và Hiệu phó chỉ dạy từ 2-4 tiết/tuần vẫn được hưởng 35% tiền phụ cấp đứng lớp và tiền trợ cấp tiền học 2 buổi/ngày. Hơn nữa, với tiền trách nhiệm kiêm nhiệm của giáo viên, đã nhiều năm tổ trưởng tổ chuyên biệt chỉ được lĩnh 50.000 đồng và gần đây là 100.000 đồng/tháng (theo văn bản là 0,2% mức lương cơ bản như các tổ trưởng khác trong trường). Khi giáo viên thắc mắc, Hiệu trưởng giải thích “lẽ ra số tiền này không có nhưng vì Hiệu trưởng xin giúp nên mới được”.

Hai năm học gần đây, Hiệu trưởng nhà trường còn cho phép thu tiền trái tuyến trên danh nghĩa là tiền đóng góp xây dựng trường với mức trung bình 1 triệu đồng/học sinh (năm học 2012-2013 trường có 60 học sinh trái tuyến). Số tiền này không được công khai tới giáo viên trong trường. Ngoài ra, về số tiền bảo hiểm y tế của học sinh, theo quy định trường được trích lại 35% để mua thuốc, bông băng và hỗ trợ cho nhân viên y tế. Nhưng trên thực tế, trong năm học 2011-2012, kinh phí chi cho y tế của trường khá ít. Vậy số tiền còn  lại đi đâu ?… Những điều này khiến không ít giáo viên bức xúc, không yên tâm công tác, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học…

Cần công khai mọi chứng từ

Để làm rõ những nội dung nêu trên, chiều 28-11, chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Đoàn Gia Ân - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung và bà Phạm Thị Lý - Kế toán. Về thông tin cho rằng kế toán không đi làm đủ giờ quy định, ông Ân cho biết điều này không đúng sự thật. Với đặc thù công việc là kế toán, quản lý công tác tài chính trong nhà trường, bà Lý luôn đảm bảo, thực hiện đầy đủ mọi chế độ, quyền lợi của cán bộ giáo viên, công nhân viên trong trường. Hơn nữa, bà Lý còn phải làm các công tác khác như thu – nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kê khai, trích nộp thuế thu nhập cá nhân của cán bộ giáo viên, theo dõi và làm mọi thủ tục thanh toán, phát hành thẻ BHYT, bảo hiểm thân thể… cho học sinh toàn trường. Do vậy, ngoài thời gian có mặt tại trường bà Lý còn phải giao dịch tại kho bạc, phòng GD&ĐT, Chi cục Thuế quận Đống Đa… Hơn nữa, dù trường đã có văn thư nhưng trên  thực tế, bà Lý vẫn phải soạn thảo công văn, làm báo cáo gửi các cơ quan cấp  trên.

Về một số nội dung liên quan đến vấn đề thu, chi trong nhà trường, từ nhiều năm nay do việc thu các khoản tiền từ phụ huynh học sinh gặp nhiều khó khăn nên trường đã thống nhất với giáo viên chủ nhiệm giao cho họ thu các khoản tiền này, sau đó nộp về bộ phận thủ quỹ, kế toán. Việc chi tiền phục vụ bán trú cho giáo viên chủ nhiệm, người trông trưa được nhà trường thực hiện đúng theo Công văn hướng dẫn số 296 ngày 15-1-2007 của Sở GD&ĐT Hà Nội, thỏa thuận đến từng phụ huynh học sinh toàn trường, giải trình với Phòng GD&ĐT quận Đống Đa và đã thực hiện đúng theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường.

Về việc chi tiền dạy 2 buổi/ngày cho giáo viên chuyên biệt, nhà trường cũng thực hiện theo công văn trên. Từ tháng 1-2010, do đã được bổ sung đầy đủ biên chế giáo viên chuyên biệt và nếu so với định mức biên chế chuẩn mà Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ quy định thì trường thừa giáo viên. Theo Thông tư 28/2009 của Bộ GD&ĐT quy định về chế độ làm việc với giáo viên phổ thông thì “giáo viên tiểu học có định mức dạy 23 tiết /tuần”. Trong khi đó, số tiết thực dạy của các giáo viên chuyên biệt của trường trong các năm từ 2008-2012 chỉ từ 15-23 tiết/tuần. Từ tháng    9-2012, Nghị quyết Hội đồng sư phạm nhà trường quy định: “Định mức cho giáo viên chuyên biệt dạy 20 tiết/tuần. Những tiết dạy vượt định mức sẽ được chi trả 31.000 đồng/tiết, hỗ trợ mỗi giáo viên chuyên biệt 300.000 đồng/tháng”. Mặc dù trường đã lập danh sách chi tiền nhưng một số giáo viên từ chối không nhận. 

Cùng với những giải trình về tiền lương dạy thêm giờ, kế toán nhà trường cũng khẳng định khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh, số tiền trích lại từ phí bảo hiểm y tế của học sinh nhà trường đã sử dụng đúng mục đích, có chứng từ hợp lệ. Hàng năm trường đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ thông qua Hội đồng sư phạm nhà trường, được niêm yết công khai tại phòng Hội đồng giáo dục. Việc tăng lương định kỳ hàng năm, làm phụ cấp thâm niên cũng công khai toàn trường, được thực hiện đúng theo chỉ đạo của Phòng Nội vụ và UBND quận Đống Đa.

Để  giải quyết tận gốc các vấn đề nêu trên, UBND quận Đống Đa cần sớm chỉ đạo Phòng GD-ĐT của quận, Ban Giám hiệu trường Tiểu học Quang Trung tổ chức buổi họp với giáo viên toàn trường để công khai, giải thích cặn kẽ mọi khoản thu, chi với đầy đủ chứng từ liên quan, tránh xảy ra khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trong nhà trường.