Trường ngoài công lập là hướng phát triển chiến lược

ANTĐ - Ngày 22-5, khối các trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại tiếp tục thảo luận, kiến nghị về công tác tuyển sinh và hướng phát triển sắp tới. Theo GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, hiện đang có ý kiến cho rằng các trường ngoài công lập chỉ biết lo làm sao tuyển đủ chỉ tiêu.

Trường ngoài công lập là hướng phát triển chiến lược ảnh 1
Cần có phương án tuyển sinh khoa học, đa dạng, hợp lý để đảm bảo quyền lợi 
của những trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Ảnh: PHÚ KHÁNH


- PV:  Sau khi Hiệp hội có kiến nghị về các biện pháp giải pháp cứu trường ngoài công lập thì đã có những phản hồi gì từ cơ quan quản lý?

- GS. Trần Hồng Quân: Vừa rồi đã có dấu hiệu tích cực với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề ưu đãi thuế nhưng kèm theo đó còn có một số ràng buộc chưa hợp lý như quy định diện tích đã thay đổi từ diện tích đất sang mặt sàn là có ưu tiên nhưng phải là sở hữu của trường. Ngoài ra, tỷ lệ giảng viên/sinh viên phải là giảng viên cơ hữu là không hợp lý, dẫn đến tình trạng một số trường buộc phải vội vàng tuyển giảng viên mới ra trường thay vì thuê các giảng viên trình độ cao như GS, TS về giảng dạy. Điều quan trọng theo tôi ở đây là chất lượng đội ngũ giảng viên chứ không phải là thỉnh giảng hay cơ hữu. Một điều vô lý khác là quy định tuyển sinh mỗi năm được 200 sinh viên trở lên, ổn định trong 3 năm mới cho phép tiếp tục đào tạo. Điều này vô lý. Một ví dụ như ĐH Tân Tạo có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích hơn 100 ha nhưng hiện mới tuyển được vài chục sinh viên/năm vì trường nằm ở vị trí không thuận lợi, chưa thu hút sinh viên chứ không do chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất. Nếu đặt tiêu chí trường nào cũng phải tuyển 200 sinh viên trở lên như quy định thì chắc chắn trường này sẽ bị xóa sổ. Quy định hiện nay vẫn là cào bằng, phi thực tế, không đa dạng. 

- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng các trường ngoài công lập dường như chỉ tập trung vào việc làm sao tuyển đủ chỉ tiêu chứ chưa tạo lòng tin bằng chất lượng đào tạo?

- Về vấn đề tuyển sinh mọi người hay nghĩ rằng các trường ngoài công lập chỉ lo cốt sao tuyển sinh cho được. Đấy chỉ là một phần, là cấp bách, nhưng mục đích chính là tìm được phương án tuyển sinh thực sự khoa học, hợp lý, linh hoạt, trên cơ sở đa tiêu chí. Chúng ta có rất nhiều loại trường, mỗi trường có một sứ mạng xã hội, trường nghiên cứu, trường thực hành... Mỗi trường có mục tiêu, nhiệm vụ riêng, không thể cào bằng theo cách tuyển sinh “3 chung”. Vì vậy cần xây dựng giải pháp tuyển sinh đa tiêu chí nhưng không phải là tiêu chí giống hệt nhau mà có trọng số riêng phù hợp với từng môn học, từng ngành trường. Sự đa dạng đó chỉ có từng trường mới làm được chứ Bộ không thể bao quát hết. Đề xuất của hiệp hội không phải vớt vát để các trường tuyển đủ, dù rằng đây là vấn đề sinh tử của các trường. Hiệp hội đã có đề nghị từ năm 2010 nhưng Bộ GD-ĐT im lặng không nói gì.

- Vậy Hiệp hội bình luận gì về sự im lặng của Bộ GD-ĐT?

- Đề nghị của Hiệp hội không chỉ dành riêng cho các trường ngoài công lập mà cho nền giáo dục đại học nói chung. Sự phát triển của trường ngoài công lập phù hợp với mục tiêu phát triển mạnh mẽ nền giáo dục đại học, trong đó con đường tất yếu là phát triển giáo dục ngoài công lập. Hiện nay, tỷ lệ này của Hàn Quốc là 67% sinh viên học đại học ngoài công lập, Malaysia hơn 50% sinh viên ngoài công lập. Đây có thể coi là phương án đẩy bật nền giáo dục đại học chứ không ngân sách nhà nước nào có thể gánh hết được. Chính vì vậy các trường ngoài công lập là hướng phát triển có tầm chiến lược. Các trường tốt và nổi tiếng của Mỹ phần lớn là trường ngoài công lập. Để tạo sức mạnh dân tộc thì không còn cách nào khác là phát triển cả công lập và ngoài công lập. Nhà nước nên tập trung đầu tư vào một số trường công lập đặc thù, còn lại cần tạo cơ chế công bằng giữa công lập và ngoài công lập.

- Sắp đến kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, Hiệp hội đã có thông tin chính thức gì về đề án tuyển sinh riêng?

- Bộ GD-ĐT hiện chưa có trả lời gì với Hiệp hội. Thực ra Hiệp hội chưa bao giờ đề nghị Bộ xét duyệt từng đề án mà là đề nghị cho thực hiện điều 34 Luật Giáo dục Đại học. Luật đã ban hành và có hiệu lực thì cần được triển khai thực hiện. Có ý kiến cho rằng luật trên thì mở nhưng dưới có câu khóa “do Bộ hướng dẫn cụ thể”. Vậy Bộ GD-ĐT chưa hướng dẫn thì Luật Giáo dục Đại học chưa phát huy hiệu quả dù chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2013 trong khi giờ đã là tháng 5. Thực tế, Bộ GD-ĐT có hứa là trường có phương án tuyển sinh riêng thì Bộ sẽ xét duyệt nên 10 trường đã làm đề án đưa lên Bộ. Hiện nay, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT mới trao đổi với 5 trường về phương án riêng.