Trường kỳ chống dịch Covid-19, mở ra thời kỳ bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho dù đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, song với những tín hiệu tích cực, lạc quan từ việc kiểm soát sự lây lan cũng như thông tin sẽ sớm có vaccine phòng chống virus Corona đã thúc đẩy nhiều quốc gia nhanh chóng mở ra thời kỳ bình thường mới, khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội.
Nhiều quốc gia trên thế giới một mặt trường kỳ chống dịch Covid-19 nhưng cũng bắt đầu nới lỏng giao thương trong điều kiện có kiểm soát

Nhiều quốc gia trên thế giới một mặt trường kỳ chống dịch Covid-19 nhưng cũng bắt đầu nới lỏng giao thương

trong điều kiện có kiểm soát

Bức tranh màu xám

Sau hơn 8 tháng hoành hành, tính tới ngày 3-9, con số người nhiễm dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu đã vượt con số 26 triệu. Đại dịch lây lan ra hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới này đã cướp đi sinh mạng của hơn 868 nghìn người (tính tới hết ngày 3-9) và hiện còn hơn 60 nghìn bệnh nhân Covid-19 đang trong tình trạng nguy kịch. Trung bình mỗi ngày trên toàn cầu có khoảng gần 300 nghìn ca mắc Covid-19 mới và hơn 6 nghìn ca tử vong. Bắc Mỹ với số ca mắc Covid-19 chiếm gần 30% tổng số bệnh nhân và 25% tổng số ca tử vong toàn thế giới, là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch. Tại đây hiện đã có khoảng 7,5 triệu ca nhiễm và khoảng 275 nghìn ca tử vong.

Tiếp đó, châu Á đứng thứ hai thế với trên 7,3 triệu ca nhiễm đã ghi nhận và hơn 145 nghìn ca tử vong. Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhất với 82.860 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 3,8 triệu và khoảng 67,5 nghìn ca tử vong. Không chỉ gây ra tổn thất nặng nề về sức khỏe và tính mạng con người, đại dịch còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế.

Thế giới trong những tháng đầu năm 2020 đã bước vào một cuộc suy thoái tồi tệ không kém cuộc suy thoái năm 2008-2009, thậm chí là cuộc “đại suy thoái” những năm đầu 1930. Đại dịch Covid-19 đã cuốn phăng 12.000 tỷ USD của cải trên thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo công bố cuối tháng 6 vừa qua đã báo động đại dịch Covid-19 tác động đến tất cả mọi khu vực địa lý trên toàn cầu, khiến GDP của thế giới sụt giảm đến 4,9% so với năm 2019. Điều có thể để lại những “di chứng” nặng nề và lâu dài là tất cả các trung tâm kinh tế lớn nhất, hay đầu máy kinh tế của thế giới đều đang cùng một lúc bị “đóng băng” và chưa thể dự báo thời điểm kết thúc. Dù hiện nay, hầu hết các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch Covid-19 đều đang từng bước mở cửa trở lại, nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể lạc quan.

Vừa chống dịch vừa hồi phục mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội

Nền kinh tế cũng như mọi mặt hoạt động khác của đời sống xã hội khác trên toàn cầu có thể sớm trở lại bình thường hay không phụ thuộc rất lớn vào việc có sớm kiểm soát, khống chế đại dịch Covid-19 hay không. Và điều này phụ thuộc rất lớn vào việc điều chế được loại vaccine phòng ngừa Covid-19 hay thuốc đặc trị Covid-19 một cách hiệu quả, điều mà thế giới từng làm để dập tắt các đại dịch truyền nhiễm nguy hiểm trước đây.

Thế nên, sản xuất vaccine có thể phòng ngừa được bệnh Covid-19 là cuộc đua nóng bỏng nhất trên toàn thế giới thời gian qua. Không chỉ các cường quốc kinh tế, khoa học kỹ thuật và y tế thế giới mà hầu như mọi quốc gia đều bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vaccine cũng như các loại thuốc, phương thức cứu chữa bệnh Covid-19. Tính tới đầu tháng 9 này, thế giới đã ghi nhận có hơn 150 loại vaccine phòng Covid-19 tiềm năng đang được phát triển, trong đó 8 loại tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Hiện ngoài Nga với vaccine mang tên Sputnik V, Trung Quốc có 2 loại vaccine là Ad5-nCoV và CoronaVac. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang nỗ lực để phê chuẩn nhanh vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của nước này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 2-9 đã vạch ra kịch bản phê duyệt vaccine Covid-19 vào tháng 11 tới với 2 loại “Vaccine A” và “Vaccine B” giả định. CDC cũng đã thông báo cho giới chức y tế ở 50 bang và 5 thành phố lớn là New York, Chicago, Philadelphia, Houston và San Antonio để chuẩn bị phân phối các liều vaccine chủng ngừa Covid-19 cho nhân viên y tế và nhóm có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Cuộc chạy đua tìm cách đẩy lùi đại dịch Covid-19 cũng diễn ra rất khẩn trương trên “mặt trận” điều chế thuốc hay phương pháp cứu chữa hiệu quả. Một trong rất nhiều nỗ lực đó là nghiên cứu được công bố ngày 1-9 trên tạp chí y học The New England (Mỹ) cho thấy hơn 90% bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi ở Iceland có thể duy trì kháng thể lên đến 4 tháng.

Nền kinh tế toàn cầu nếu không sớm mở ra giai đoạn bình thường mới để bắt đầu cho giai đoạn phục hồi sẽ rất khó khăn, kéo theo đó là các hệ lụy người lao động giảm thu nhập, mất việc làm… và cuối cùng là gia tăng đói nghèo. Trong khi đó, việc kiểm soát dịch bệnh tốt hơn cùng với việc sẽ sớm có vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị... Tất cả những điều đó đang thúc đẩy các quốc gia trên thế giới cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để khôi phục sản suất, dần nới lỏng các hạn chế giao thương, đi lại cho các nhà đầu tư, kinh doanh… thậm chí cả du khách ở những nơi kiểm soát tốt dịch bệnh. Bởi nếu tiếp tục tình trạng “đóng băng” mọi mặt như hiện nay sẽ khiến những hậu quả mà đại dịch mang lại càng trầm trọng hơn. Chống đại dịch Covid-19 cho dù có vaccine hay thuốc đặc trị vẫn là một cuộc chiến trường kỳ, các quốc gia cần phải vừa phải chống dịch lâu dài vừa phải mở ra thời kỳ bình thường mới để hồi phục mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.

Việt Nam đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kiểm soát tốt dịch bệnh với chi phí thấp nhất, song mang lại hiệu quả cao bậc nhất thế giới. Thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta là phải bảo đảm mục tiêu kép là vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế. Trước mắt và dễ thấy nhất là yêu cầu phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu đem lại lợi ích cho quốc gia, cùng với đó là những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.