Trường học Hà Nội đáp ứng an toàn phòng chống dịch để đón học sinh tới lớp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ có 3 ngày để chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại kể từ khi có thông tin chính thức về việc triển khai học trực tiếp với khối THPT, các trường học ở Hà Nội đã nhanh chóng lập kế hoạch, hoàn thiện các khâu để đáp ứng an toàn phòng chống Covid-19.
Học sinh THPT Hà Nội trên toàn thành phố bắt đầu đi học trở lại từ ngày 6-12

Học sinh THPT Hà Nội trên toàn thành phố bắt đầu đi học trở lại từ ngày 6-12

Trang bị cơ sở vật chất đáp ứng dạy học linh hoạt

Thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho rằng, dù thời điểm này dịch bệnh vẫn diễn ra, nhưng cần xác định việc học trực tiếp là cần thiết. Do đó, thầy đã nhắn nhủ học sinh của mình hãy biến đó thành cơ hội để hoàn thiện mình trước tập thể lớp và thầy cô. Cập nhật liên tục các thông tin từ thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, ngày 4-12, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đã phổ biến rộng rãi tới phụ huynh học sinh: “Căn cứ Thông báo 824 của UBND TP Hà Nội ngày 3-12-2021 về đánh giá cấp độ dịch, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (đóng trên địa bàn phường Láng Hạ, quận Đống Đa) đã được đánh giá theo địa bàn phường là cấp độ 1, theo địa bàn quận là ở cấp độ 2.

Như vậy, đủ điều kiện an toàn về mặt vị trí để đón học sinh tới lớp”. Về các nguyên tắc và điều kiện theo quy định của UBND TP Hà Nội, nhà trường đảm bảo toàn bộ thầy cô giáo đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng dịch. Tất cả học sinh đều đã tiêm phòng Covid-19, mũi thứ nhất trong đợt tiêm đầu tiên của thành phố. Việc tuyên truyền phòng chống dịch, khử khuẩn và rà soát tình hình được coi là việc làm thường xuyên.

Còn theo cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa), tính đến ngày 4-12, trường đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 2.043/ 2.104 số học sinh toàn trường. 100% giáo viên cũng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và sẵn sàng cho việc dạy học trực tiếp từ ngày 6-12. “Mặc dù được phép dạy học trực tiếp, nhưng nhà trường vẫn lên phương án kết hợp giữa dạy trực tiếp và trực tuyến ở cả 3 khối. Việc này nhằm đảm bảo những học sinh thuộc diện cách ly y tế, địa bàn có nguy cơ cao, mức độ dịch cấp độ 3 - 4, vẫn có thể học mà không phải đến trường” - cô Hiền cho biết.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ) cho biết, với gần 2.000 học sinh, trường THPT Tây Hồ tính toán sẽ phân 5 làn cho các em đo nhiệt độ, sát khuẩn tay trước khi vào trường. Nhân viên thiết bị trường học đã lắp đặt mới 5 làn barie để phân luồng học sinh. Trường cũng đã thuê đơn vị đến phun muỗi toàn bộ các phòng học, phòng chức năng, khu vực chậu hoa, cây cảnh… để đảm bảo tất cả phòng học được lưu thông không khí, an toàn vệ sinh đón học sinh trước ngày 6-12.

Trường THPT Phan Đình Phùng vệ sinh trường lớp sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại vào ngày 6-12

Trường THPT Phan Đình Phùng vệ sinh trường lớp sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại vào ngày 6-12

Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) cho biết, trường có tất cả 1.954 học sinh với tỉ lệ tiêm phòng Covid-19 đạt 98%. Mặc dù còn có ý kiến băn khoăn về việc học sinh chưa được tiêm mũi 2, nhưng nhà trường đã tổ chức họp với toàn thể giáo viên chủ nhiệm, qua đó chuyển tải thông tin về công tác đảm bảo phòng chống dịch để phụ huynh, học sinh yên tâm hơn. Đến thời điểm này, trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để đón học sinh từ thuốc dự phòng, nước sát khuẩn...

Nhà trường cũng trang bị thêm các bồn rửa tay ngoài trời để phục vụ giáo viên và học trò, tổ chức phun khử khuẩn toàn trường, huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên lau dọn toàn bộ khuôn viên trường. Nhà trường cũng đã xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết để đón học sinh ngay từ ngoài khu vực cổng, chuẩn bị những phòng cách ly nếu phát hiện học sinh có dấu hiệu bất thường. Đồng thời, xây dựng phương án dạy học online khi học sinh không thể đến trường.

Tạo điều kiện tối đa cho học sinh phải học trực tuyến

Theo quy định của thành phố, những học sinh cư trú trên địa bàn có nguy cơ cao, cấp độ dịch 3 - 4, thì chỉ được học trực tuyến. Đây là điều mà tất cả các trường đều phải rà soát, thực hiện đúng quy định. Để triển khai phân luồng học sinh theo cấp độ dịch tại địa bàn nơi học sinh cư trú, thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết, Ban Giám hiệu nhà trường rà soát kỹ lưỡng, trong hơn 1.000 học sinh của trường có 6 học sinh đang sống cùng gia đình trong khu vực thuộc địa bàn phường ở cấp độ dịch 3 - 4, có ca lây nhiễm trong cộng đồng và chưa qua 14 ngày.

“Hiện có 6 học sinh tạm thời chưa được đến trường, nhưng các con sẽ được nhà trường tạo điều kiện và cách thức học tập phù hợp, hiệu quả. Các con và bố mẹ có thể yên tâm khi học tại nhà. Bao giờ có kết quả kiểm tra y tế đảm bảo thực sự an toàn thì các con sẽ được đến trường để học tập” - thầy Nhâm chia sẻ. Để đảm bảo an toàn, mặc dù trường có lịch học 2 buổi/ngày, nhưng từ 6-12, trường sẽ chỉ tổ chức cho học sinh học trực tiếp ở trường buổi sáng và học trực tuyến buổi chiều tại nhà. Học sinh sẽ không ăn, nghỉ trưa tại trường cho đến khi có thông báo mới từ thành phố.

Nhằm tạo điều kiện tối đa cho học sinh trong vùng dịch, hoặc đang bị cách ly, điều trị y tế không thể đến trường học trực tiếp, cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất để có thể kết hợp cả dạy học trực tiếp và trực tuyến, giúp các học sinh chưa thể đến trường (nếu có) không bị chậm chương trình so với các bạn trên lớp. Cụ thể, nhà trường đã lắp đặt thêm webcam cho 30 phòng học với tổng chi phí lắp đặt mới khoảng 70 triệu đồng. “Trường hợp có những học sinh diện F0 hoặc phải cách ly hay trong khu phong tỏa thì các em vẫn có thể theo dõi bài giảng. Các em cũng có thể xin phát biểu, tương tác với thầy cô và bắt kịp với tiến độ của cả lớp” - cô Hiền chia sẻ.

Ban Giám hiệu trường THPT Phan Đình Phùng cũng cho biết, trường này đã chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu thông tin của học sinh, theo dõi quá trình di chuyển, mức độ dịch tễ. Đối với các học sinh cư trú tại địa bàn có nguy cơ cao, nhà trường sẽ bố trí các em học trực tuyến. Những học sinh thuộc diện F1, F2, học sinh ở khu vực có mức độ dịch cấp độ 3 - 4 được nhà trường yêu cầu không đến trường giai đoạn này và vẫn đảm bảo điều kiện để các em được học trực tuyến, bám sát tiến độ chương trình.

Ngày 3-12, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn cụ thể với các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về việc dạy học trực tiếp cho học sinh từ ngày 6-12. Theo đó, Sở yêu cầu trường học phải đạt yêu cầu an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí tại văn bản hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT, Sở Y tế; giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng dịch Covid-19 chỉ dạy trực tuyến, không dạy trực tiếp; không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường; học sinh tự mang theo nước uống cá nhân; chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày.

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh. Đặc biệt, Sở GD-ĐT Hà Nội lưu ý, những trường có học sinh cư trú trên nhiều địa bàn khác nhau cần nắm rõ thông tin của học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học trở lại của địa phương nơi học sinh cư trú để bố trí linh hoạt giữa học trực tiếp và học trực tuyến nhằm bảo đảm an toàn. Đối với học sinh cư trú tại địa bàn có nguy cơ cao, mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4, nhà trường bố trí học trực tuyến.