Trường đại học nào xếp hạng đầu thế giới và Việt Nam?

ANTD.VN - Kết quả xếp hạng các trường ĐH thế giới và trong nước đã được công bố ngày 6-9.

Bảng xếp hạng ĐH thế giới do Times Higher Education vừa công bố 10 vị trí đầu của bảng xếp hạng lần lượt thuộc về ĐH Oxford (1), ĐH Cambridge (2), Viện Công nghệ California (3), ĐH Stanford (3), Viện Công nghệ Massachusetts (5), ĐH Harvard (6), ĐH Princeton (7), Trường Imperial College London (8), ĐH Chicago (9), Viện Công nghệ Zurich Thụy Sĩ (10) và ĐH Pennsylvania (10).

ĐH Oxford của Anh chiếm vị trí đầu bảng trong các trường đại học thế giới

Đứng đầu Đông Nam Á là ĐH Quốc gia Singapore (NUS), chiếm vị trí thứ 22, tiếp tục dẫn đầu châu Á. Singapore còn có ĐH Công nghệ Nanyang lọt vào bảng xếp hạng, đứng ở vị trí 52.

Ngoài Singapore, còn có 4 quốc gia Đông Nam Á khác có trường lọt vào bảng xếp hạng. Đó là Thái Lan (10 trường), Malaysia (9), Indonesia (4) và Philippines (1).

Bảng xếp hạng này dựa trên 13 tiêu chí hoạt động được chia thành 5 lĩnh vực: giảng dạy, nghiên cứu, số lần trích dẫn nghiên cứu, yếu tố quốc tế và thu nhập từ nghiên cứu.

Mặc dù không có trường đại học nào lọt vào bảng xếp hạng nói trên nhưng, ngày 6-9, một nhóm chuyên gia độc lập đã công bố kết quả xếp hạng đối với 49 trường đại học Việt Nam được thực hiện theo đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cách đây ba năm với nhiều bước, từ xây dựng tiêu chí, thử nghiệm mẫu nhỏ, thu thập, xử lý dữ liệu.

Theo kết quả này, các đại học quốc gia và đại học vùng đều có thứ hạng cao: Đại học quốc gia Hà Nội (số 1), ĐH Đà Nẵng (số 4) và ĐH Quốc gia TP.HCM (số 5). 

ĐHQG HN được đánh giá cao theo kết quả xếp hạng của nhóm chuyên gia độc lập trong nước

Trong top 10 trường ĐH hàng đầu có sự góp mặt của các trường: Học viện Nông nghiệp Việt Nam (số 3), ĐH Cần Thơ (số 6), ĐH Bách khoa Hà Nội (số 7) và ĐH sư phạm Hà Nội (số 10).

Đáng chú ý là các trường ĐH khối kinh tế có thứ hạng trung bình trong kết quả đánh giá của nhóm chuyên gia này. 

Cụ thể trường ĐH Ngoại thương xếp thứ 23; trường ĐH Kinh tế quốc dân xếp thứ 30; trường ĐH Thương mại thứ 29; Học viện Tài chính thứ 40. 

Nguyên nhân của việc bị xếp thứ hạng trung bình là do ấn phẩm khoa học quốc tế mờ nhạt, quy mô đào tạo quá lớn so với năng lực đội ngũ cán bộ giảng viên.

Theo công bố của nhóm chuyên gia, một số trường ĐH "trẻ" lại có thứ hạng cao, ví dụ trường ĐH Tôn Đức Thắng (số 2), trường ĐH Duy Tân (số 9).

Căn cứ chủ yếu để xếp thứ hạng là thành tích của công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách đầu tư và khuyến khích xuất bản của các cơ sở đào tạo này. Số sinh viên được đào tạo và tỷ lệ có việc làm cũng là tiêu chí được nhóm đánh giá là quan trọng. 

Ngoài ra các yếu tố liên quan tới điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, trong đó có chất lượng đội ngũ giảng dạy cũng là yếu tố được coi trọng.