Trước mắt có thể khó

ANTĐ - Trong bối cảnh nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi “sóng gió” Biển Đông chưa có dấu hiệu thuyên giảm, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực cao nhất, quyết tâm bằng mọi biện pháp phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra từ đầu năm. Thủ tướng chỉ đạo phải khắc phục hạn chế, yếu kém, theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động các phương án đối phó. Các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia kinh tế đều đồng thuận rằng, hơn lúc nào hết, trước an nguy của đất nước, cần thêm “lửa” quyết tâm, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu năm 2014.

Sự kiện Biển Đông diễn ra từ tháng 5 theo chiều hướng ngày càng căng thẳng, phức tạp đã có tác động nhất định đến tăng trưởng một số ngành, như lượng khách quốc tế tháng 6 giảm 20% so với tháng trước, khách Trung Quốc giảm 30%. Thương mại, xuất khẩu hàng hóa nông sản sang Trung Quốc có giảm sút nhưng không quá lớn; ngành vận tải, thương mại bán lẻ tăng thấp hơn cùng kỳ.

Báo cáo thường niên kinh tế năm 2014 dự báo, nếu quan hệ thương mại với Trung Quốc xấu đi thì tăng trưởng GDP năm nay sẽ chỉ cán đích từ 4,15-4,88%, thấp nhất trong 5 năm gần đây. Với 7,4 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 21% so với cùng kỳ, thị trường này vẫn đứng thứ 4 sau EU, Mỹ, ASEAN. Hiện Trung Quốc vẫn giữ vị trí dẫn đầu với kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với 20,4 tỷ USD, tăng 21% so với 6 tháng đầu năm 2013. Theo nhận định của một số chuyên gia, lo lắng khả năng xấu nhất là cần thiết, song nhìn vào kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Trung hiện đạt 49,2 tỷ USD, thì sự phụ thuộc giữa hai bên là hiển nhiên. Giả sử ngừng buôn bán với nước ta, Trung Quốc sẽ phải “đẩy” gần 37 tỷ USD hàng hóa sang thị trường khác. Điều đó hoàn toàn không dễ.

Nếu chỉ thuần túy xét về lượng, giả sử xuất nhập khẩu ngừng trệ, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được. Hơn thế, trong thế giới hội nhập, hàng hóa cũng như dòng nước, chặn chỗ này, nước sẽ chảy đến chỗ khác. Vấn đề đáng nói là, chính sách điều hành kinh tế của nước ta đang từng bước “lái” theo chiều hướng ngày càng ít chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Trước mắt có thể khó, khó cho Nhà nước, cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp. Song, nếu quyết vượt qua giai đoạn đầy thử thách này thì nền kinh tế nước ta sẽ vững bước trên con đường độc lập, tự chủ, tự cường.