Trung tướng Hữu Ước: Đi đến bến bờ tự do bằng màu sắc

ANTĐ - Những người nổi tiếng thường tìm cách né tránh, cất giấu con người thật trước công chúng, nhưng với Trung tướng, nhà văn, nhà báo Hữu Ước lại khác, ông công khai những đau đớn, những nỗi niềm trước những người yêu quý ông, những bạn đọc của ông theo một cách rất riêng, dùng tiếng nói của màu sắc, những mảng sáng tối trong hội họa để bộc bạch lòng mình.   

Tác phẩm “Vợ tôi”

Ám ảnh những vòng xoáy

Viết văn, viết kịch, làm thơ, sáng tác nhạc và cả hội họa, những vòng xoáy luôn xuất hiện trong các tác phẩm của ông. Ở triển lãm tranh mới nhất “Hội họa Hữu Ước” vừa khai mạc hôm qua 20-6 tại 100 Yết Kiêu, người xem một lần nữa gặp lại những vòng xoáy hun hút với đôi mắt đen thẳm thật buồn. Kinh qua nhiều sóng gió cuộc đời, Hữu Ước dường như muốn tìm đến những khoảng lặng để chiêm nghiệm về nhân tình thế thái. Vòng xoáy trong tranh của ông không chỉ là một cách miêu tả với những mảng màu đẹp mắt hay một cách phô diễn kỹ thuật vẽ mà là nỗi niềm của Hữu Ước. Cho dù muốn hay không thì phàm đã là con người, khó ai có thể cưỡng lại được vòng xoáy cuộc đời. Dòng thác lũ ấy cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó và để lại sau lưng những vệt dài của sức mạnh và những nỗi niềm. Hữu Ước cũng vậy, ông vẽ vòng xoáy với nỗi buồn và sự ngơ ngác của con người trước sức mạnh ghê gớm ấy đã cuốn ông đi suốt chiều dài cuộc đời. Để rồi khi nhìn lại, dù đã  thành danh nhưng xem tranh ông vẫn thấy sự ngọt ngào, nỗi xa xót, chợt hạnh phúc nhưng cũng nhiều khoảng cô đơn và hoang mang. 

Những nét vẽ ngang tàng, những vệt mầu ngỗ ngược không tuân thủ bất cứ niêm luật, quy tắc nào của nghệ thuật tạo hình nhưng lại mang đến cho người xem cảm giác ám thị chập chờn. Qua tranh, ông kể  cho người xem về cuộc đời mình, không giấu giếm hay che đậy dù chỉ một mảy may. Hữu Ước thể hiện tình yêu vợ, cú sốc trước sự ra đi đột ngột của bà bằng gam màu ghi xám buồn mênh mang, còn nét vẽ thì hoang dại và tự nhiên như được phóng bút trong vô thức, tên gọi của bức tranh “Vợ tôi về trời” nghe thật đau xót. Đầu gối tay ấp mấy chục năm trời, việc chấp nhận sự thật quả là khó khăn với người ở lại, nhưng dẫu sao ông cũng mong linh hồn bà được siêu thoát nơi cực lạc, nhẹ nhàng và thanh thản như đám mây trôi. Không vẽ nhiều về người, chỉ thích “chơi” cùng cỏ cây hoa lá nhưng tại triển lãm này, Hữu Ước đã dành tâm huyết để đặc tả bức chân dung vợ và cháu ngoại bằng những gam màu nguyên thủy. Có thể nói, việc đặt những gam màu mạnh cạnh nhau luôn tạo ra ấn tượng thị giác rất đậm nét với người xem nhưng cái khó là vẽ sao cho không bị phô màu, bị quê kệch. Không gò bó trong những khuôn mẫu về tạo hình, Hữu Ước phóng khoáng trong sáng tạo. Ông vẽ mặt vợ tròn như khuôn trăng, mắt mũi miệng là những đường thẳng nằm ngang nhưng cũng đủ cho người chiêm ngưỡng nhận thấy cái nhìn thật hiền hậu và ấm áp từ người bạn đời của ông. 

Đến với hội họa để phá vỡ những rào cản

Sau ngày vợ mất, ông sống trong một thế giới khác, nhiều chiêm nghiệm và tâm trạng hơn. Có lẽ thế, tranh ông cũng nặng ưu tư và tâm sự. Điều Hữu Ước quan tâm với hội họa giờ đây không còn là chuyện vẽ giống hay không nữa mà là việc được chia sẻ, giãi bày tâm sự. Khi mất đi một điều thiêng liêng giản dị, ông trăn trở thao thức cùng bảng màu, bức toan trắng và làm nên tinh thần của Hữu Ước trong tranh, nhuần nhuyễn, giàu cảm xúc và đẹp hơn. Chỉ có như vậy, những mảng màu trên toan ngày càng điêu luyện, tạo ra sự rung rinh của màu sắc khi hòa quyện với nhau đủ để biểu cảm những sắc độ của cảm xúc. Ngay ở chủ đề quen thuộc là vẽ hoa nhưng rõ ràng hoa trong triển lãm lần này nhiều sắc độ, góc cạnh và giàu cảm xúc hơn. Ông đã dành một thời lượng lớn để vẽ hoa theo trường phái trừu tượng. Những nét bút, hòa sắc giữa hoa và nền trộn lẫn vào nhau tạo nên sự tinh tế, gợi cảm. 

Hữu Ước là con người của báo chí, văn xuôi, viết kịch làm thơ, sáng tác âm nhạc nên từ viết chuyển sang vẽ, dù ít hay nhiều thì trong con người của ông cũng có tố chất hội họa, con mắt hội họa. Những khả năng ấy trong mỗi con người đều tiềm ẩn nhưng khác ở chỗ, Hữu Ước mạnh dạn dấn thân trước nhiều ý kiến khác nhau. Điều đó cũng đủ thấy ông quyết liệt và dám làm dám chịu như thế nào. Vẽ nhiều nhưng ít đề cập đến hội họa, Hữu Ước đến với môn nghệ thuật của màu sắc để phá vỡ những rào cản, để bộc bạch, chia sẻ nỗi lòng. Khi xem tranh ông, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận xét “Tranh của Hữu Ước có lý trí, mộng mị và trí tưởng tượng vượt ra ngoài dự đoán của chúng ta, vô tình nhưng rất ấn tượng. Hội họa chính là bến bờ tự do nhất mà ông hướng tới”.