Trừng trị, răn đe mạnh để không dám tham nhũng

ANTĐ - Ngày 5-5, hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã diễn ra tại Hà Nội. Các ý kiến tại hội nghị ghi nhận những chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác PCTN song cũng đánh giá kết quả này chưa đạt kỳ vọng của nhân dân.

Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm
đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, được dư luận đồng thuận

Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh cho biết, công tác phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực trên các mặt. Cùng với đó, công tác xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng đã được tập trung đẩy mạnh một bước, tạo chuyển biến tương đối rõ nét. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được đẩy nhanh hơn, nhiều vụ án được mở rộng điều tra cả về tội danh và số lượng bị can, mức án đủ nghiêm, đủ sức răn đe.

Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan  tâm đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, theo quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá tốt. Đơn cử như vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines, các bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị toà sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình. 

Dù vậy, báo cáo đánh giá, công tác PCTN vẫn chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. Đề cập tới vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, báo cáo chỉ ra, thực tế còn rất khó khăn. Số lượng tài sản thu hồi đạt rất thấp (không quá 10%). Do đó, cần sớm nghiên cứu, bổ sung chế định thu hồi tài sản tham nhũng vào Luật PCTN để kịp thời xác minh, truy tìm tài sản bị chiếm đoạt, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản tham nhũng. 

Tại hội nghị, các ý kiến đã tập trung đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ năm 2013 đến nay. Ngoài việc chỉ ra những mặt được, chưa được, các ý kiến đi sâu vào phân tích nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh PCTN. Có ý kiến đề xuất, danh tính những người phạm tội tham nhũng phải được thông báo nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhiều người biết và dư luận xã hội lên án. Cùng với đó, cần liên tục công khai đường dây nóng, số điện thoại liên lạc để người dân thuận tiện trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Phải nhanh chóng có cơ chế, biện pháp thiết thực để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, danh dự cũng như khen thưởng phù hợp cho người phát hiện, tố cáo tham nhũng, lãng phí. 

Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, bên cạnh kết quả đạt được, cần thẳng thắn thừa nhận còn nhiều hạn chế trong PCTN so với kỳ vọng của nhân dân. Tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Tình trạng tham nhũng vặt, hối lộ ở khu vực hành chính, dịch vụ công còn nhức nhối. Tham nhũng vẫn đang là thách thức, và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay.

Tổng Bí thư cũng cho rằng, công tác hoàn thiện thể chế về PCTN còn chậm. Cán bộ, công chức, viên chức, người dân tố cáo PCTN còn ít, trong lúc chưa có cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng. Ngoài ra, công tác phát hiện tham nhũng còn yếu. Số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Tỷ lệ tài sản tham nhũng được thu hồi còn rất thấp.

Tổng Bí thư đề nghị, cần chú trọng xây dựng quy định về kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao. Cần quy định các giao dịch lớn của các cán bộ, công chức, viên chức phải được thực hiện qua ngân hàng để phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, cần cơ chế trừng trị răn đe mạnh mẽ để không dám tham nhũng. 

“Quyết tâm chính trị là sự cam kết, tuyên chiến với tham nhũng - phải được thể hiện công khai để nhân dân biết và giám sát. Quyết tâm không chỉ được thể hiện trên giấy, hô hào chung chung mà phải được nhìn thấy trong thực tế. Cần thiết lập bằng được cơ chế giám sát hiệu quả. Tránh để quyền lực quá lớn, quá tập trung dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Nếu không dựa vào dân, cuộc chiến PCTN không thể thành công” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.