"Trung thu cho em" giữa ngày nắng gắt, vẫn lấp lánh những nụ cười

ANTD.VN - Không phải một đêm trăng tròn thanh mát giữa Thủ đô với hoa tươi quả ngọt, bánh trái đầy bàn, các thành viên đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô và nhóm tình nguyện Hoa cúc xanh đón Trung thu giữa một ngày nắng gắt trong căn phòng “ký túc” trống tênh, nhưng niềm vui vẫn nhẹ nhàng lan tỏa.

Niềm vui của học sinh trường dân tộc bán trú tiểu học Suối Lềnh khi lần đầu được nhận chiếc bánh Trung thu

Chúng tôi đi thuyền máy dọc sông Đà để vào xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Đang mùa mưa, cũng có đường bộ nhưng người dân bản địa khẳng định chắc nịch là xe máy còn không đi nổi, nói gì đến ô tô.

Nhưng đi thuyền cũng có cái hay, giữa trời nắng chói chang gần 40 độ C, bước chân lên sàn thuyền sắt còn thấy đế giày như chảy nhão ra, song khi thuyền chạy, cái mát lành của nước sông hắt lên cùng gió phần phật thổi, lại thêm cây xanh ngắt hai bên bờ nên những mệt mỏi của hành trình dài bắt đầu từ 4h sáng như tan biến.

Đường đi khó vì… ngăn sông cách núi

Sau khi khảo sát, biết tuyến đường khó đi như vậy, nên đoàn công tác của nhóm Hoa cúc xanh phối hợp với Báo An ninh Thủ đô đã quyết định xuất phát sớm để có thể đến được với học sinh Suối Lềnh lúc đầu giờ chiều. Rút kinh nghiệm những trục trặc từ những chuyến trước, xe tải chở nặng hơn 1 tấn hàng làm quà cho thầy và trò nhà trường còn xuất phát sớm hơn, lên đến huyện rồi mới dừng nghỉ.  

Đi được chừng 40 phút, anh lái thuyền với nước da đen rắn rỏi chỉ lên đỉnh núi lẫn trong mây cách đó không xa bảo: “Trường tiểu học bán trú Suối Lềnh ở đấy”. Nhìn thì có vẻ gần và thơ mộng, nhưng khi rời thuyền thì hành trình gian khổ mới thực sự hiện ra trước mắt. Con đường 15km dẫn lên núi dường như làm nản lòng bất cứ tay lái lão luyện nào, thế mà như lời của anh Lường Văn Cóng, thầy giáo cắm bản của trường dân tộc bán trú, vẫn còn tốt hơn đường đến lớp của nhiều học sinh Suối Lềnh.

17 năm công tác ở trường, thầy Cóng vẫn chưa thể quen được với con đường từ bến sông lên đó. Cuối tuần nào cũng một chuyến xuống một chuyến lên, nhưng chỉ qua một ngày là con đường đã xuất hiện “ổ voi” mới, nhất là nếu đêm thứ bảy lại mưa thì hôm sau lằn thêm một loạt “sống trâu”.

Xe máy cũng chỉ vài năm là phải thay, chẳng lốp nào chịu được với đá tai mèo. Mà cũng phải cứng tay mới đi được, chứ có cô giáo hồi mới lên bản đành cắn răng mà cuốc bộ. Bởi đến cả khi đã quen hơn, những ngày mưa chuyện ngã xe vẫn là bình thường, có hôm lên đến lớp từ đầu tới chân trát bùn.   

Chuyến hàng lên thuyền để vượt sông Đà đến với Hang Chú, Bắc Yên, Sơn La

Thầy Cóng là 1 trong 2 giáo viên có thâm niên bám bản lâu nhất ở Hang Chú, từ ngày đầu trường thành lập mới chỉ có mấy gian nhà bằng tre nứa. Thời gian đầu anh cũng giống như một số thầy cô trẻ bây giờ, không nói ra đâu nhưng chỉ muốn… về, một phần vì đường sá quá khó khăn, một phần vì học sinh đến lớp bữa đực bữa cái, hôm nay dạy xong, ngày mai phải nhắc lại từ đầu vì lại là những khuôn mặt mới. Đó là những ngày thầy cô giáo phải cuốc bộ vài chục cây số đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đi học. Có nhiều nhà lại chỉ cho con trai đi, còn con gái “không cần”, họ bảo vậy.

Thế rồi cứ kiên trì, bao nhiêu khó khăn cũng vượt được qua hết, để đến thời điểm hiện tại, trường có 217 học sinh, sĩ số được đảm bảo thường xuyên. Một phần là nhờ các cháu được bố trí ở bán trú, được Nhà nước nuôi ăn nên việc học hành cũng thuận lợi hơn nhiều.

Cùng đón Trung thu sớm

“Nói là vậy, nhưng dù sao học sinh tiểu học vẫn còn nhỏ, trẻ con dưới xuôi có khi lớp 5 vẫn còn phải bố mẹ giục ăn, đằng này các cháu tự túc hết mọi việc, lại phải sống xa nhà nên để duy trì được việc học hành, cũng phải nhờ vào sự chăm lo của các thầy cô giáo”, thầy Hờ A Súa, Hiệu trưởng trường Dân tộc bán trú tiểu học Suối Lềnh cho biết. 23 thầy cô giáo, tính cả cán bộ nhân viên vừa phải lo dạy, vừa lo ăn ở cho học sinh, lúc nào cũng như con mọn. 

Bọn trẻ đứa nào cũng lấm lem, may được cái khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Chẳng mấy khi gặp người lạ, học sinh ở trường Suối Lềnh cũng tò mò vây quanh chiếc xe công nông đầu kéo đưa chúng tôi lên bản, nhưng khi thấy các cô chú đến gần hỏi chuyện thì lại bẽn lẽn lảng đi.

Thành viên nhóm tình nguyện chơi trò chơi với các em học sinh

Muốn các cháu xếp hàng theo lớp để nhận quà, cũng phải nhờ đến hiệu lệnh của các thầy cô. “Cháu tên là gì?”, tôi hỏi. “Hờ Thúy Bâu”. “Nhà Bâu ở đâu?”. “Bản Pá Hốc”. “Nhà có xa không?”. Im lặng. “Bâu ở trường thế này có nhớ bố mẹ không?”. Im lặng. “Được nhận quà cháu có thích không?”. “Có”, cô bé học sinh lớp 4 trong bộ váy Mông nhiều màu đã phai trả lời lí nhí rồi ngượng ngùng nhìn đi nơi khác. 

Phải đến khi xách quà về phòng bán trú, là khi đã đi khuất khỏi “người lạ”, Bâu cùng với bọn trẻ ở Suối Lềnh mới nói cười ríu rít. Xách theo túi lớn túi nhỏ, các cháu háo hức túm năm tụm ba, giở ra xem, nào cặp mới này, áo đồng phục mới này, lại cả vở, bút, rồi ủng, khăn mặt…, đến những chiếc bút màu mà chúng mới thấy lần đầu. Có đứa cầm chiếc bánh nướng lên lạ lẫm. Sắp đến Trung thu, dù không có đèn lồng, đèn kéo quân thì hy vọng bọn trẻ cũng sẽ biết hương vị của những chiếc bánh truyền thống dành riêng cho một ngày rất đặc biệt trong năm của chúng.

Cũng chính nhờ chương trình ấy mà Trung thu năm nay dường như đặc biệt hơn với các thành viên trong đoàn công tác. Không phải một đêm trăng tròn thanh mát giữa Thủ đô tấp nập và sôi động, hoa tươi quả ngọt, bánh trái đầy bàn, mà là một ngày nắng gắt với bụi đất mịt mù, ngồi trong căn phòng “ký túc” vừa kê đủ 3 chiếc giường tầng, không quạt vì điện không đủ mạnh, không có đèn nên cứ tối mờ mờ, nhưng niềm vui của sự sẻ chia và tình yêu thương thì cứ nhẹ nhàng lan đi giữa những tâm hồn, tỏa sáng trên từng khuôn mặt.   

“Khó khăn thì còn nhiều, nên bất cứ sự sẻ chia nào dù lớn nhỏ cũng giúp thầy trò nhà trường được động viên, khích lệ tinh thần rất lớn”, thầy Hờ A Súa nói lúc tiễn đoàn về, “Mong rằng…”. Thầy không nói tiếp, nhưng qua ánh mắt thầy, chúng tôi hiểu được thầy mong mỏi Báo An ninh Thủ đô và nhóm tình nguyện Hoa cúc xanh sẽ tiếp tục là cầu nối để đưa những tấm lòng thiện nguyện đến với thầy trò nơi đây, giúp các em có thêm niềm vui và ấm bụng hơn khi đến trường, còn thầy cô tiếp tục kiên trì bám bản.

Ánh mắt đó cũng nhắc nhớ chúng tôi rằng còn rất, rất nhiều những đứa trẻ, những người thầy, người cô, những ngôi trường như thế này đang chờ chúng tôi trên khắp mọi miền đất nước!