Trung Quốc vẫn khát tài nguyên

ANTĐ - Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng các hoạt động được dư luận cho là nhằm “vơ vét” tài nguyên trên thế giới để “giải cơn khát tài nguyên” ngày càng trầm trọng của mình. 

Một giàn khoan dầu của Repsol ở Brazil đã bị công ty Trung Quốc thâu tóm

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện chuyến thăm từ ngày 15 đến 23-7 tới các quốc gia Mỹ Latin là Brazil, Argentina, Venezuela và Cuba. Chuyến công du Mỹ Latin lần thứ 2 kể từ khi ông này trở thành người đứng đầu nhà nước Trung Quốc tháng 3-2013 có nội dung chính nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, trong đó tập trung vào nguồn tài nguyên thiên nhiên giá rẻ ở khu vực này.

Về mặt chính thức, Trung Quốc coi đây là một chuyến công du để chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau giữa nước này và Mỹ Latin song theo giới phân tích thì chuyến thăm nhằm củng cố vị thế của cường quốc kinh tế số hai thế giới đối với Mỹ Latin nhằm đảm bảo được nguồn cung dầu mỏ và tài nguyên thiên nhiên cho mình. Điều đó cho thấy Trung Quốc không ngần ngại khai thác, thâu tóm tài nguyên tại khu vực vẫn được xem là sân sau của Mỹ.

Các số liệu thống kê vào thời điểm ông Tập Cận Bình đặt chân tới Mỹ Latin cũng cho thấy Mỹ có nhiều lý do để lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng để tìm kiếm lợi ích tại khu vực này. Với quy mô trao đổi thương mại hai chiều Trung Quốc-Mỹ Latin năm 2013 lên tới 261,6 tỷ USD, gấp đúng 20 lần so với năm 2000, Bắc Kinh hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Mỹ Latin ngay sau Mỹ.

Đáng chú ý là tỷ trọng đáng kể trong kim ngạch thương mại trên là các mặt hàng tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu rẻ như đồng, thép, nickel… và nhất là dầu mỏ. Trong đó, chỉ riêng Venezuela năm 2013 đã xuất sang Trung Quốc 600.000 thùng dầu/ngày và Trung Quốc còn muốn tăng lên thành 1 triệu thùng/ngày trong những năm 2014 để trở thành khách hàng dầu mỏ số 1 của Venezuela.

Hướng “thâu tóm” tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô từ Mỹ Latin của Trung Quốc có thể thấy qua số liệu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) khi biết, Trung Quốc đã đầu tư 22,74 tỷ USD vào khu vực này từ năm 2011 mà tập trung chủ yếu vào các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên. Theo CEPAL, có tới 92% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ Latin nhằm vào các dự án khai khoáng và chỉ có 8% là cho cơ sở hạ tầng và sản xuất. 

Theo các chuyên gia, Mỹ Latin chỉ là một trong số các khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc đang hướng tới nhằm giải cơn khát tài nguyên để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế cao, đặc biệt là dầu mỏ. Trước đó, Sinopec - tập đoàn dầu khí lớn thứ 2 Trung Quốc - đã bỏ ra 7,1 tỉ USD để mua lại 40% cổ phần của chi nhánh Hãng dầu khí Tây Ban Nha Repsol ở Brazil để có cơ hội tiếp cận lượng dự trữ 1,2 tỷ thùng dầu của hãng Repsol ở Brazil; đồng thời cho công ty năng lượng Petrobras của Brazil vay 10 tỷ USD để đổi lấy nguồn cung 10.000 thùng dầu/ngày trong vòng 10 năm liên tục.

Trung Quốc đang ráo riết thực hiện cuộc “săn lùng tài nguyên” trên phạm vi toàn cầu với quy mô chưa từng thấy khi bỏ ra hàng trăm tỷ USD để mua lại các tài sản năng lượng và tài nguyên khắp thế giới. Và việc Trung Quốc mua tài nguyên đang trở thành vấn đề nóng bởi nhiều người lo ngại an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng khi Trung Quốc “thâu tóm” tài nguyên.