Trung Quốc: Tướng hậu cần “dính” đại án tham ô

ANTĐ - Dù gần đây những thông tin về việc sẽ xét xử cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa mới được đưa ra một cách bán công khai, nhưng thực tế từ đầu năm 2012, cái tên Cốc Tuấn Sơn (ảnh) đã biến mất khỏi danh sách các tướng lĩnh cấp cao trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. 

“Phủ tướng quân” ở Bộc Dương được mô phỏng kiến trúc Cố cung

Con đường tiến thân

Cốc Tuấn Sơn, sinh năm 1956, ở Bộc Dương, Hồ Nam, là trưởng nam trong một gia đình có 6 con. Năm 1971, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, Cốc Tuấn Sơn nhập ngũ. Trong suốt thời gian ở quân khu Thẩm Dương, Cốc Tuấn Sơn thường xuyên bị đánh giá là đảng viên loại “kém”, bị Phó chính ủy Trương Long Hải phê bình công khai. Sau này, Cốc Tuấn Sơn kết hôn với con gái lớn của Trương Long Hải, Trương Tố Yến. Sự nghiệp của ông ta bắt đầu mở rộng từ đây.

Năm 1985, được sự “chống lưng” của bố vợ, Cốc Tuấn Sơn được điều về Bộ chỉ huy Lục quân Bộc Dương. Không lâu sau đó, Trương Tố Yến từ một nhân viên nhà máy chế biến dược phẩm ở huyện Liễu Hà, Cát Lâm cũng được chuyển công tác về Sở Công an thành phố Bộc Dương và giữ chức vụ Phó Giám đốc. Thời điểm này, lợi dụng sự liên kết giữa đơn vị với Tập đoàn dầu khí Trung Quốc, Cốc Tuấn Sơn đã mua một lượng lớn thép, dầu thô, gỗ của tập đoàn này với giá nhà nước và bán ra thị trường với giá cao, từ đó gây dựng được một tiềm lực mạnh về kinh tế cho bản thân và dùng chính số tiền này để giành được sự tín nhiệm của cấp trên. Trong con mắt đồng nghiệp, Cốc Tuấn Sơn là một kẻ không có thực tài nhưng rất giỏi quan hệ và khéo lấy lòng người khác.

Với khả năng luồn lách đó, năm 1995, Cốc Tuấn Sơn được điều làm phó chủ nhiệm văn phòng sản xuất quân khu. Vị trí đó đã đem đến vô số thuận lợi khác, ông ta nhanh chóng được đề bạt làm Phó Giám đốc Học viện chỉ huy Lục quân Tế Nam dù bằng cấp không có. Trong thời gian này, Cốc Tuấn Sơn được cử đi học tại Đại học Quốc phòng.

Năm 2001, Cốc Tuấn Sơn về Bắc Kinh nhậm chức Phó chủ nhiệm Cục Quân doanh thuộc Tổng cục Hậu cần và được thăng hàm Thiếu tướng 2 năm sau đó. Năm 2009, ông ta trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần sau khi giữ chức Chủ nhiệm Cục Quân doanh được 2 năm. Trước khi bị điều tra, Cốc Tuấn Sơn đã giữ hàm Trung tướng.

“Tử Cấm Thành” ở Bộc Dương

Cốc Tuấn Sơn thường xuyên về quê, thậm chí còn giữ mối quan hệ cực kỳ mật thiết với các đời lãnh đạo thành phố Bộc Dương. Mỗi khi về quê, ông ta thường ở trong biệt thự do quân đội phân cho, nơi thường ngày em gái Trương Tố Yến vẫn ở. Năm 2009, Cốc Tuấn Sơn bắt đầu cho xây dựng “phủ tướng quân” - khu nhà rộng khoảng 9.000m2 mô phỏng Cố cung, gồm 3 lớp nhà chính, sân trong, sân ngoài, tường cao bao kín xung quanh.

Thời điểm đó Cốc Tuấn Sơn đã mời hẳn kiến trúc sư của Viện Kiến trúc Cố cung về thiết kế, mô phỏng đúng kiến trúc của Tử Cấm thành Bắc Kinh. Những người đã từng tham gia xây dựng công trình kể lại, Cốc Tuấn Sơn đã thuê 2 họa sỹ đắt giá của Viện Kiến trúc Cố cung với ngày công 3.000NDT/người để trang trí cho tòa nhà, 2 họa sỹ này cùng 5 phụ việc khác đã làm trong suốt 3 tháng mới hoàn thành. Ở trước thềm nhà chính, ông ta cho dựng 2 bức tượng voi bằng đá cẩm thạch, giữa sân là đài phun nước hình đĩnh vàng. Tòa nhà có hậu viện với vườn hoa, đình đài, những hành lang uốn khúc quanh co như một công viên thu nhỏ.   

Tính về bất động sản “khủng” của nhà họ Cốc còn phải nhắc đến khu biệt thự bên sông Mã Giáp. Khu đất nằm trên diện tích hơn 13.000m2 này vốn thuộc sở hữu của mấy chục hộ nông dân, năm 2009, em trai Cốc Tuấn Sơn, Cốc Hiến Quân đã mua lại và cho xây dựng một quần thể gồm 7 tòa biệt thự, mỗi tòa đều là một “tứ hợp viện” riêng biệt. 6 tòa biệt thự trong số đó dành cho 6 anh em nhà họ Cốc, còn lại 1 tòa Cốc Hiến Quân định tặng cho người “đã trợ giúp” trong việc xây dựng quần thể này. Giữa năm 2011, khu biệt thự hoàn tất và một lễ “tân gia” vô tiền khoáng hậu được tổ chức, giúp cư dân địa phương “mãn nhãn” một phen. Trong số 7 tòa biệt thự đó, biệt thự của nhà Cốc Hiến Quân đặc biệt xa xỉ. Riêng phòng ngủ của ông ta được gọi là “Phòng Tổng thống”, chỉ tính riêng giá trị đồ gỗ đã hàng trăm nghìn NDT. 

Vinh thân, phì gia

Một trong những “nỗ lực” của Cốc Tuấn Sơn nhằm làm đẹp lý lịch của mình là việc khoác cho bố đẻ ông ta danh hiệu liệt sỹ. Năm 1990, bố đẻ của Cốc Tuấn Sơn, Cốc Ngạn Sinh qua đời, ông ta đã cho làm lăng mộ và khắc lên bia dòng chữ “Đài liệt sỹ Vũ Hoa”. Người dân trong vùng cho biết, hàng năm đến tiết Thanh minh, Cốc Tuấn Sơn đều đưa người về dâng hoa trước lăng mộ bố, cả đoàn quân tiền hô hậu ủng, có xe cảnh sát dẹp đường. Tới tận khi ông ta bị điều tra, người ta mới xem lại trong hồ sơ liệt sỹ của cơ quan dân chính thành phố Bộc Dương, không hề có liệt sỹ nào tên là Cốc Ngạn Sinh.

Cốc Tuấn Sơn có 2 em trai và 3 em gái thì tới 4 người làm trong quân đội. 6 cháu trai, 7 cháu gái của ông ta cũng đều được đưa vào quân đội, hoặc đang học trong trường quân đội. Ở Bộc Dương, nhà họ Cốc được xếp vào hàng “danh gia vọng tộc”, trong đó phải kể tới Cốc Hiến Quân, nhờ ảnh hưởng của anh trai mà phất lên như diều gặp gió, trở thành một đại gia trong kinh doanh bất động sản. 

Tất cả chấm dứt vào cuối năm 2011. Tháng 2-2012, cái tên Cốc Tuấn Sơn biến mất khỏi danh sách các tướng lĩnh cấp cao trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Tháng 8-2013, thông tin Cốc Tuấn Sơn liên quan đến một vụ án tham ô được đưa lên blog cá nhân của Công Phương Bân, Giáo sư Đại học Quốc phòng. 

Ngày 31-3 vừa qua, Tân Hoa xã chính thức xác nhận Cốc Tuấn Sơn đã bị Viện Kiểm sát Quân sự truy tố về tội tham ô, hối lộ, lạm dụng công quỹ và lạm dụng quyền lực. Vụ án của Cốc Tuấn Sơn được coi là bê bối lớn nhất trong quân đội Trung Quốc kể từ sau vụ Phó Tư lệnh Hải quân Vương Thủ Nghiệp tham ô 160 triệu NDT, bị tòa quân sự tuyên án tử hình năm 2006.

Bồn rửa mặt cũng bằng vàng thật

Đêm 12-1-2014, tất cả tài sản của cựu Trung tướng Cốc Tuấn Sơn ở Bộc Dương bị kê biên. 20 điều tra viên được phái đến từ Bắc Kinh đã làm việc suốt 2 đêm để kiểm kê số tài sản khổng lồ mà ông ta sở hữu. Tại biệt thự của Cốc Tuấn Sơn, người ta phát hiện một hầm rượu dài hơn 30m nối liền 3 ngôi nhà, trong đó riêng rượu Mao đài chỉ dùng trong quân đội đủ chất đầy 2 xe quân dụng. Ngoài số vàng nén, tại đây cũng có vô số “của độc” như một chiếc thuyền buồm bằng vàng có khắc chữ “Thuận buồm xuôi gió”, một bức tượng bằng vàng ròng, thậm chí cả bồn rửa mặt bằng vàng ngụ ý “Kim ngọc mãn bồn”. Ước tính số tài sản bất chính tịch thu được từ gia đình họ Cốc chất đầy bốn xe tải. Ngay sau đó, một vài tờ báo đã đăng tin về cuộc điều tra đang được tiến hành với cựu Trung tướng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Theo đó, Cốc Tuấn Sơn còn sở hữu nhiều bất động sản lớn khác cũng như hàng chục căn hộ với diện tích gần 200m2 mỗi căn tại khu đất vàng ở nội thành Bắc Kinh. Số tài sản này, Cốc Tuấn Sơn khai định dùng làm quà tặng để tiếp tục tiến lên vị trí cao hơn.