Trung Quốc tức tối trước hoạt động giao lưu hải quân Việt Nam và Philippines

ANTĐ - Theo hãng tin Reuters, hôm 9-6, Trung Quốc đã tỏ ra rất tức tối với hoạt động giao lưu của hải quân Việt Nam và Philippines tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 8-6.
Bản tin phát thanh ngày 10-6-2014 do Báo An ninh Thủ đô sản xuất


Reuters dẫn phát ngôn của bà Hoa Xuân Oánh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, với yêu cầu rất ngang ngược rằng Việt Nam và Philippines phải "ngừng gây rắc rối".
Bà này còn trắng trợn nói rằng: "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận. Chúng tôi yêu cầu Việt Nam và Philippines dừng bất kỳ hành vi gây tranh cãi và gây ra rắc rối... và không làm bất cứ điều gì làm phức tạp hoặc phóng đại các tranh chấp".

Theo Reuters, đây là phản ứng đầu tiên của Trung Quốc đối với hoạt động giao lưu lần thứ nhất giữa lực lượng hải quân hai nước Việt Nam - Philippines tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc tức tối trước hoạt động giao lưu hải quân Việt Nam và Philippines ảnh 1
Tàu Hải cảnh Trung Quốc truy cản tàu CSB 4032 của Việt Nam, không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 mà phía Trung Quốc hạ đặt trái phép vào sâu vùng biển chủ quyền Việt Nam


Trong khi đó, đánh giá về việc đối phó với hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) và điều tàu chiến vào vùng nước chủ quyền của Việt Nam, Tiến sỹ Edward Miller, giảng viên về lịch sử quan hệ đối ngoại của Mỹ và lịch sử Việt Nam tại Đại học Dartmouth (bang New Hamshire), cho rằng lợi thế của Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc hiện nay là sự ủng hộ của công luận quốc tế.
Tiến sỹ Edward Miller cho rằng trên khắp thế giới, rất nhiều người nhìn nhận Trung Quốc là một cường quốc hiếu chiến can thiệp và nỗ lực lợi dụng các quốc gia khác. Động thái của Trung Quốc tại biển Đông vừa qua là một phần trong nỗ lực lợi dụng ưu thế trong lĩnh vực quân sự tại biển Đông. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan không vì mục đích kinh tế mà ẩn sau nó là động cơ chính trị. Tuy nhiên, cái giá mà Trung Quốc phải trả là danh tiếng trên vũ đài công luận quốc tế.

Cũng theo Tiến sỹ Edward Miller, Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào sự ủng hộ của công luận quốc tế, đồng thời việc sử dụng các thể chế pháp lý quốc tế cũng là bước đi mà Việt Nam có thể thực hiện. Ông cũng cho rằng, Việt Nam cần phải chuẩn bị trước phương án đối phó vì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động sử dụng giàn khoan trong tương lai.

Trung Quốc tức tối trước hoạt động giao lưu hải quân Việt Nam và Philippines ảnh 2
Lực lượng Cảnh sát biển của Việt Nam theo dõi sát hành vi sai trái của Trung Quốc trên thềm lục địa của Việt Nam


Còn tại hiện trường khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981), Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, ngày 9-6, Trung Quốc tiếp tục huy động nhiều tàu đặc chủng vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Cụ thể: có 6 tàu chiến phía Trung Quốc huy động cản trở hoat động của ngư dân Việt Nam tại các phía Đông, phía Tây và phía Nam khu vực giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Duương 981) hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Ngoài hành động huy động tàu chiến, còn có 36 tàu hải cảnh, 44 tàu cá và 21 tàu kéo, tàu vận tải cùng 1 máy bay trinh sát Y-8 bay lượn, gầm rú ở khoảng cách giàn khoan chừng 300-500m.

Lo ngại hơn hết, cùng với số lượng tàu cá mà phía Trung Quốc huy động luôn có 2 tàu hải cảnh hỗ trợ và có biểu hiện hung hăng, manh động. Các tàu này hoạt động thành nhóm, tạo vòng vây bao bọc khu vực giàn khoan từ khoảng cách rất xa, từ 38-40 hải lý, và khi nhìn thấy tàu cá ngư dân Việt Nam, hay tàu Kiểm ngư Việt Nam các tàu Trung Quốc lao ra chặn, cản trở vây ép với ý đồ phá hoại tàu cá của ngư dân cũng như lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Trước hành động phi pháp của tàu Trung Quốc, tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn linh hoạt đấu tranh và né tránh mọi hành động ngang ngược mà tàu Trung Quốc cố tình đâm, va. Đồng thời, tổ chức hoạt động đấu tranh với cường độ cao ở khoảng cách giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép từ 7-10 hải lý, phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam.