Trung Quốc tràn lan “chợ đen” thẻ căn cước

ANTĐ - Số thẻ căn cước bị thất lạc, bị lấy cắp mỗi năm ở Trung Quốc có thể lên tới 100.000 thẻ. Đáng quan tâm là, nhiều đối tượng tội phạm đã lợi dụng những thẻ căn cước thất lạc để gây án, khiến cơ quan chức năng đau đầu. 

Trung Quốc tràn lan “chợ đen” thẻ căn cước ảnh 1Thẻ căn cước thất lạc bị kẻ xấu mua để lợi dụng gây án


Căn cước đội lốt hải sâm khô

Các cơ quan công an Trung Quốc phát hiện, không ít thẻ căn cước (thẻ ID) bị mất cắp hoặc thất lạc đã bị kẻ xấu thu mua và rao bán phi pháp trên mạng. Sau vài lần chuyển tay, những chiếc thẻ có thể được dùng để mạo danh mở tài khoản ngân hàng kiếm lợi bất chính hoặc sử dụng như lá chắn để lừa đảo, che giấu thân phận thực nhằm dễ bề gây án. 

Một lượng lớn thẻ ID bị mất hay lấy cắp đều được công khai rao bán trên mạng. Tìm kiếm từ khóa “thẻ căn cước” trên trang mạng QQ, dễ dàng có được thông tin về hàng trăm nhóm mua bán thẻ căn cước, số thành viên tham gia của một vài nhóm như vậy cũng hàng trăm người. Một phụ nữ họ Trần chuyên bán thẻ ID cho biết, gian hàng trên QQ của cô này có 203 thẻ ID của nữ giới, gần 1.000 thẻ ID của nam giới và giá là 350 NDT/thẻ. Trong một gian bán thẻ ID khác, người bán giới thiệu đang có 118 thẻ ID nữ giới và 147 thẻ nam giới. Ông chủ gian hàng này cho biết, mặt hàng ông bán đều là thẻ thật, 300 NDT/thẻ và giao dịch thông qua trang mua sắm trực tuyến Taobao. Người chủ này sẽ gửi lên Taobao một liên kết, nội dung là “Hải sâm khô bán buôn 50gam”, đơn giá 300 NDT. Từ đầu tháng 4, gian hàng thẻ ID này bán hơn 40 thẻ, thu về hơn 10.000 NDT.

Tiểu Vương, ở thành phố Thiên Tân, nhặt được một thẻ căn cước ghi tên một phụ nữ họ Chu. Dưới sự chứng kiến của phóng viên Tân Hoa xã, cô Vương đã dễ dàng sử dụng thẻ này để lách qua các cửa kiểm tra của ngân hàng, ga tàu hay nhà nghỉ. Cô Vương đến chi nhánh của 4 ngân hàng nhà nước lớn tại quận Nam Khai (Thiên Tân) với thẻ ID của người họ Chu để mở tài khoản. Từ nhân viên đến người quản lý đều không đối chiếu cẩn thận khách hàng với thông tin trong thẻ ID và kết quả họ đều đồng ý cho cô Vương mở tài khoản. 

Hiện các cơ quan công an trên toàn Trung Quốc đã cấp đổi hơn 1,2 tỷ thẻ căn cước loại mới. Năm 2014, riêng tại Thiên Tân thống kê đã có hơn 190.000 thẻ ID bị thất lạc. Theo một cán bộ công an ở thành phố Thiên Tân, hệ thống nội bộ của cơ quan công an có thể kiểm tra được một thẻ căn cước bị thất lạc hay chưa nhưng các đơn vị như ngân hàng, ga tàu… lại không thể biết được điều đó khi khách quẹt thẻ. 

Tiếp tay cho tội phạm

Cán bộ của Sở Điều tra hình sự Thiên Tân, ông Đơn Uy cho biết, có những nhóm tội phạm chuyên thu mua thẻ ID với giá 10 NDT/thẻ từ cơ sở của thu mua phế liệu, sau đó bán lại với giá hàng trăm NDT. Những thẻ ID bị đánh cắp và mua bán trên “chợ đen” thường được tội phạm dùng để lập thẻ tín dụng. Cơ quan công an Thiên Tân cho biết, tháng 5-2012, đối tượng Lý Giang Vỹ dùng nhiều thẻ ID giả đến ngân hàng làm thẻ tín dụng. Lý ra giá 4.800 NDT/thẻ tín dụng, bán được 29 thẻ, và thu lợi gần 140.000 NDT trước khi bị công an bắt.

 Theo ông Lý Kiến Mãn, Phó Phòng công an Đông Lệ thuộc Sở Công an Thiên Tân, mỗi năm Trung Quốc có hàng trăm nghìn vụ gian lận viễn thông, số tiền thiệt hại khoảng 10 tỷ NDT. Sau khi lừa được khoản lớn, tội phạm sẽ nhanh chóng phân tán số tiền này vào các tài khoản ngân hàng, rồi thông qua cây ATM để rút. Tài khoản ngân hàng được mở do mạo danh gây khó khăn khi phá án nên tỷ lệ phá án lừa đảo viễn thông tại một số tỉnh thành ở Trung Quốc thậm chí không vượt quá 5%. Hơn nữa, nhiều đối tượng phạm tội còn lấy thẻ ID của người khác để dễ bề thực hiện hành vi đen tối như lừa đảo, giao dịch ma túy, đánh bạc rửa tiền, làm giả hóa đơn…

Không ít người dân mắc vạ chỉ vì vô tình làm thất lạc thẻ căn cước. Một phụ nữ ở Hồ Nam đã bị bắt vì tình nghi ăn cắp tại Thanh Hải. Tuy nhiên, qua điều tra, công an làm rõ cô này không phạm tội, do kẻ xấu lợi dụng thẻ căn cước bị mất nên cô mới bị bắt.

Ông Vương Thái Nguyên - Giáo sư khoa Trị an Đại học Công an nhân dân Trung Quốc nhận định, hiện tượng mạo danh sử dụng thẻ căn cước không chỉ tồn tại ở Trung Quốc, tuy nhiên, ở nước ngoài, nếu ngân hàng không có hình thức kiểm tra, phát hiện được việc mượn danh mở tài khoản thì ngân hàng đó sẽ bị phạt nặng, còn tại Trung Quốc, pháp luật chưa có quy định xử lý đơn vị cấp dưới trong việc kiểm tra thẻ căn cước, dẫn tới tình trạng xem xét qua loa. 

Giáo sư về luật tại trường Đại học Nam Khai - Lý Hiểu Binh cho biết, một người mua, bán, sử dụng thẻ ID giả chỉ bị giam tối đa 12 ngày và phạt 200-1.000 NDT. Cho rằng chế tài còn quá nhẹ, Giáo sư Lý đề nghị tăng mức phạt. Trong khi theo một luật sư khác, hệ thống ngân hàng, viễn thông và khách sạn nên tăng cường giám sát để ngăn chặn tình trạng dùng thẻ ID giả thực hiện hành vi phạm tội.