Trung Quốc toan tính gì với “rốn dầu” ở Biển Đông?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc thời gian vừa qua liên tục cho các tàu khảo sát tiến hành thăm dò, đo đạc, khảo sát tại những vùng biển được cho có tiềm năng dầu khí lớn ở Biển Đông cho thấy toan tính của quốc gia này nhắm tới khả năng khai thác thứ “vàng đen” này trong tương lai.
Tàu tuần tra ven biển của Philippines và tàu hải cảnh to lớn của Trung Quốc gần khu vực bãi cạn Scarborough hồi năm 2019

Tàu tuần tra ven biển của Philippines và tàu hải cảnh to lớn của Trung Quốc gần khu vực bãi cạn Scarborough hồi năm 2019

Đằng sau sự khiêu khích mới ở Biển Đông

Báo chí Philippines ra ngày 11-8 dẫn lời Tư lệnh lực lượng Hải quân nước này, Phó đô đốc Giovanni Bacordo lên tiếng cảnh báo điều mà ông cho là “thái độ khiêu khích của Bắc Kinh” tại một vùng biển gần Philippines. Theo đó, trong vòng một tuần qua, ít nhất hai tàu khảo sát của Trung Quốc đã liên tục xuất hiện tại vùng biển gần bãi Cỏ Rong (tên tiếng Anh Reed Bank hay Reed Tablemount) ở Biển Đông.

Tư lệnh Hải quân Philippines cho biết, hai tàu khảo sát Trung Quốc đã xuất hiện gần bãi Cỏ Rong khoảng một tuần nay, tốc độ di chuyển 3 hải lý/giờ cho thấy chúng đang tiến hành thăm dò. Phó đô đốc Giovanni Bacordo cho biết thêm, lực lượng hải quân Philippines đã thông báo cho Bộ Quốc phòng và Tư lệnh lực lượng vũ trang về việc hai tàu khảo sát Trung Quốc không được phép hoạt động tại khu vực này, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm phản đối Trung Quốc qua đường ngoại giao.

Người đứng đầu lực lượng Hải quân Philippines cáo buộc, cùng với hoạt động mới nhất của hai tàu khảo sát, các tàu hải quân và hải cảnh cùng nhiều tàu cá Trung Quốc “vẫn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Philippines" và cho rằng phía Trung Quốc đang “tìm cách khiêu khích hải quân Philippines”. Phó đô đốc Giovanni Bacordo đề cập tới vụ tàu hộ vệ hạng nhẹ thuộc lớp Type-056 của Trung Quốc đã chĩa radar điều khiển hỏa lực về phía tàu hộ vệ BRP Conrado Yap của hải quân Philippines vào hồi tháng 2 vừa qua để xem đó như là một minh chứng.

Tư lệnh Hải quân Philippines vạch trần âm mưu của sự khiêu khích trên khi nhấn mạnh, “bên nổ súng trước trong tranh chấp sẽ là kẻ thua cuộc” và phía Trung Quốc làm mọi cách để khiến các lực lượng của Philippines hành động. Ông Giovanni Bacordo nêu rõ, phía Philippines đã hết sức kiên nhẫn bởi “bất kỳ lực lượng hải quân nào nổ súng trước tại khu vực đó sẽ mất sự ủng hộ từ quốc tế”. Vì thế, Phó đô đốc Giovanni Bacordo cho rằng, Philippines phải kiềm chế tối đa vì “có những điều không thể rút lại một khi đã hành động, trong đó có nổ súng trước”.

Việc hai tàu khảo sát của Trung Quốc tiến hành thăm dò ở gần bãi Cỏ Rong suốt tuần qua là hoạt động mới nhất của Trung Quốc tại vùng biển này sau hàng loạt các hoạt động tương tự trước đó. Cùng với vị trí quan trọng, bãi Cỏ Rong được cho là khu vực có trữ lượng dầu khí khá lớn.

Bãi Cỏ Rong là một bãi núi ngầm nằm ở Đông Bắc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nằm cách Philippines khoảng 200 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) hơn 1.100 km và hiện do Philippines kiểm soát. Bãi Cỏ Rong có hình hạt đậu trải dài khoảng 70 hải lý từ Đá Gò Già (Pennsylvania North Reef) ở phía Nam cho đến Đá Đồng Thạnh (Marie Louise Bank) ở phía Bắc, rộng khoảng 30 hải lý, với những thực thể địa lý có độ sâu từ 16 m cho đến 90 m.

Chiến thuật “bàn chân sói”để khai thác dầu khí

Với dự đoán có trữ lượng dầu khí khá lớn, trong đó có đánh giá cho rằng khu vực bãi Cỏ Rong ước tính có trữ lượng lên tới 5,4 tỷ thùng dầu và 1.560 tỷ m3 khí thiên nhiên, nên cả Philippines đã xúc tiến những kế hoạch thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây. Bãi Cỏ Rong luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành một điểm nóng xung đột mới ở Biển Đông, nhất là từ năm 2014 trở lại đây khi Trung Quốc gia tăng các yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp đối với vùng biển này.

Một trong những vụ va chạm gây lo ngại là vụ một tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc số phận 22 ngư dân trên biển ở bãi Cỏ Rong vào tháng 6-2019 khiến Philippines phản ứng dữ dội, đòi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Mới đây, cuối tháng 4 vừa qua, tàu chiến của Trung Quốc cũng đã chĩa radar vào tàu tuần tra của hải quân Philippines khiến Manila phải lên tiếng chỉ trích đó là “hành động thù địch không thể chấp nhận”.

Giới quan sát cho rằng tất cả các hành động “khiêu khích” hay “thù địch” của Trung Quốc tại khu vực bãi Cỏ Rong nói riêng cũng như nhiều vùng biển khác ở Biển Đông nói chung đều nhắm tới cái đích chung là đe dọa, bắt nạt, hòng đòi chủ quyền phi lý và phi pháp, nhất là tại các nơi giàu có tài nguyên nhiên nhiên hay vị trí trọng yếu. Trong yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò 9 đoạn” và thuyết “Tứ sa” đòi chủ quyền đối với hơn 80% diện tích, Trung Quốc rất muốn độc chiếm vùng biển này để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và phong phú ở đây, nhất là về thứ “vàng đen” quý giá - dầu khí.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) từng ước tính, Biển Đông có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và hơn 5.300 tỷ m3 khí đốt. Trong khi đó, chính Tổng công ty Dầu khí Hải dương của Trung Quốc (CNOOC) đưa ra con số cao hơn rất nhiều, khoảng 125 tỷ thùng và 14.000 tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Cho dù dự đoán về trữ lưỡng dầu khí ở Biển Đông có khác nhau, song tiềm năng về dầu khí ở khu vực này vẫn được đánh giá rất cao, đặc biệt khi dầu mỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế các nước liên quan.

Trên thực tế, khai thác và xuất khẩu dầu khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các nước xung quanh Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei… Trong đó, Malaysia là nhà xuất khẩu khí hóa lỏng lớn thứ ba thế giới, sản xuất dầu khí đóng góp 25-40% kim ngạch xuất khẩu và chiếm hơn 25% thu ngân sách của Chính phủ nước này.

Theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc tế Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Trung Quốc không có chủ quyền hợp pháp tại các khu vực biển được cho có trữ lượng dầu khí lớn ở Biển Đông. Tuy nhiên, quốc gia này đã đơn phương đưa ra yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò 9 đoạn” và thuyết “Tứ sa” để đòi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông, trong đó bao phủ lên hầu hết các nơi dự đoán có tiềm năng dầu khí.

Không chỉ đưa ra yêu sách phi pháp, Trung Quốc trên thực tế đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan để hung hăng, gây hấn tiến hành nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông, bao gồm những hoạt động thăm dò, đánh giá nơi có dầu khí cũng như trữ lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên này.

Tình hình Biển Đông từng trở lên rất căng thẳng, tự do hàng hải bị đe dọa nghiêm trọng khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tiến hành hoạt động thăm dò trái phép trong vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam tại bãi Tư Chính vào tháng 5-2014, tiếp đó là nhóm tàu Hải Dương 8 tiến hành khảo sát trái phép suốt gần 3 tháng, từ tháng 7 đến đầu tháng 10-2019… Gần đây, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc cũng theo sát một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia tại vùng biển mà Malaysia tuyên bố là EEZ của nước này ở phía Nam Biển Đông.

Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật “bàn chân sói”, trước thăm dò, đánh giá trữ lượng, cách thức khai thác… sau đó là tiến tới tiến hành khai thác dầu khí ở Biển Đông. Nhìn vào các hoạt động khiêu khích, khảo sát, thăm dò của các tàu Trung Quốc ở bãi Cỏ Rong hay trước đó là của giàn khoan Hải Dương 981, tàu thăm dò Hải Dương 8… thấy rất rõ toan tính nguy hiểm này.