Trung Quốc: Tịch thu khối tài sản 14,5 tỷ USD trong vụ án tham nhũng lớn chưa từng có

ANTĐ - Toàn bộ khối tài sản trị giá lên tới 14,5 tỷ USD của cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang, cùng gia đình và những người liên quan, đã bị chính quyền Trung Quốc tịch thu.

Chính quyền Trung Quốc vừa tịch thu khối tài sản trị giá ít nhất 90 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 14,5 tỷ đô-la Mỹ, từ Chu Vĩnh Khang, các thành viên gia đình và các đồng sự. Chu Vĩnh Khang, cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, hiện là tâm điểm của vụ bê bối tham nhũng lớn nhất nước này trong vòng 6 thập kỷ trở lại đây.

Hơn 300 người là họ hàng, đồng minh chính trị, nhân viên và nhiều người đứng dưới “ô dù” của ông Chu đã lần lượt bị thẩm vấn trong suốt bốn tháng vừa qua.

Xét về khối lượng tài sản bị tịch thu cùng với quy mô điều tra các đối tượng có liên quan đến Chu Vĩnh Khang, đây là vụ bê bối tham nhũng lớn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Vụ án Chu Vĩnh Khang được đưa ra ánh sáng cũng cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cứng rắn ở mức cao nhất đối với nạn tham nhũng hối lộ.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng đây là một hành động đáp trả về mặt chính trị, sau khi ông Chu phản đối việc trục xuất cựu chính trị gia tầm cỡ nước này, Bạc Hy Lai, khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc phẫn nộ, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình. Hồi tháng 9 năm ngoái, Bạc Hy Lai đã nhận án tù chung thân với tội danh nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền.

Kể từ cuối năm ngoái, chính quyền Trung Quốc bắt đầu mở cuộc điều tra chính thức với ông Chu Vĩnh Khang, ông gần như bị giam lỏng. Ông Chu Vĩnh Khang, 71 tuổi, là chính trị gia cao tuổi nhất của Trung Quốc bị điều tra về việc tham nhũng, kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền điều hành đất nước năm 1949.

Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về vụ án Chu Vĩnh Khang, đồng thời mọi liên lạc với toàn bộ người có dính líu tới ông Chu cũng bị cắt đứt. Các nhân viên điều tra chống tham nhũng cũng từ chối đưa ra các bình luận về sự việc này.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu thành lập một đội điều tra đặc biệt vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm ngoái đối với trường hợp của Chu Vĩnh Khang và đồng bọn. Các nhà chức trách Trung Quốc không đưa ra cáo buộc cụ thể nào, ngoại trừ việc có liên quan tới vi phạm kỉ luật của đảng – một cách ám chỉ cho hành động tham nhũng hối lộ.

Một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết ông Chu đã từ chối hợp tác với các nhân viên điều tra, ông kiên quyết cho rằng mình là nạn nhân của một cuộc tranh chấp quyền lực. “Chu Vĩnh Khang rất cứng rắn và khẳng định đây là một sự ngược đãi liên quan đến chính trị", nguồn tin này cho biết.

Ông Chu Vĩnh Khang từng nắm giữ một số vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc. Năm 2007, ông gia nhập Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Trong thời gian ông Chu đảm nhận trách nhiệm quản lý toà án, cảnh sát, an ninh quốc gia, ngân sách chi tiêu do ông quản lý đã vượt quá ngân sách quốc phòng. Ông Chu nghỉ hưu năm 2012, lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng là ngày 1/10/2013, tại Đại học Dầu khí Trung Quốc, với tư cách cựu sinh viên.

Ông Chu Vĩnh Khang, nay đã nghỉ hưu, hiện đang là trung tâm của vụ bê bối tham nhũng lớn nhất tại Trung Quốc trong vòng sáu thập kỷ trở lại đây. Ảnh: Jason Lee/Reuters.

Giới chức trách Trung Quốc đã đóng băng toàn bộ tài khoản ngân hàng với lượng tiền gửi lên tới 37 tỉ Nhân dân tệ (tương đương 6 tỷ USD), đồng thời tịch thu cổ phiếu, trái phiếu trong nước và nước ngoài với tổng trị giá khoảng 51 tỷ Nhân dân tệ (8,2 tỷ USD) sau khi đột nhập khám xét một loạt nhà ở của ông Chu tại Bắc Kinh, Thượng Hải và 5 tỉnh khác.

Các nhân viên điều tra cũng đã niêm phong gần 300 căn hộ, biệt thự tổng trị giá 1,7 tỷ Nhân dân tệ; toàn bộ đồ cổ, tranh nghệ thuật trị giá ước chừng 1 tỷ Nhân dân tệ; cùng với hơn 60 xe hơi. Ngoài ra, các tài sản khác bị tịch thu bao gồm rượu hạng sang, vàng, bạc, tiền mặt Trung Quốc và ngoại tệ. Hầu hết số tài sản bị tịch thu không do ông Chu đứng tên sở hữu mà thuộc về những người cùng nằm trong mạng lưới bị điều tra.

Tổng cộng giá trị số tài sản bị thu giữ khoảng 90 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 17,5 tỷ đô-la Mỹ. Tuy nhiên, chưa rõ bao nhiêu trong số đó là tài sản phi pháp. Nguồn tin tiết lộ những con số này cũng cho biết, khi thông tin được chính phủ Trung Quốc chính thức công bố với công chúng, rất có thể con số sẽ được giảm bớt để tránh gây bức xúc dư luận.

Các nguồn tin cũng cho biết có hơn 10 người là họ hàng của ông Chu hiện đang bị giam giữ. Trong số đó có vợ hai của ông, bà Giả Hiểu Hiệp – từng là một phóng viên truyền hình, con trai cả Chu Bân của ông Chu với vợ cũ, dâu, rể của Chu Bân, và anh trai cua Chu Vĩnh Khang.

Ngoài ra, khoảng 10 nhà chức trách khác có chức vụ cao tầm cỡ thứ trưởng cũng bị điều tra. Một số cái tên được tiết lộ bao gồm Tưởng Khiết Mẫn, nguyên Chủ tịch PetroChina và tập đoàn mẹ là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC); nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Lý Đông Sinh; và Kế Văn Lâm, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hải Nam. Truyền thông Trung Quốc đã công bố ba người này hiện đang bị điều tra với lý do vi phạm kỉ luật nghiêm trọng. Những người này có thể là cộng sự, hoặc “đàn em” của ông Chu.

Hơn 20 người là vệ sĩ, thư ký, lái xe của ông Chu cũng bị bắt giữ. Rất nhiều thành viên gia đình và những người liên quan khác bị thẩm vấn.

Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Đảng từ cuối năm 2012 và trở thành Chủ tịch nước vào năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã đề cao quyết tâm nỗ lực xoá bỏ nạn tham ô, hối lộ, điều mà ông cho là mối đe doạ lớn tới sự tồn tại minh bạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc.