Trung Quốc thử nghiệm máy bay tàng hình J-20 thứ hai

ANTĐ - Tờ Daily Mail cho hay Trung Quốc mới đây đã tiến hành các cuộc thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình J-20 thứ hai. Các cuộc thử nghiệm được tiến hành vào trung tuần tháng 5 tại thành phố Thành Đô, một trung tâm hành chính của tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam nước này.

Máy bay tàng hình J-20 Mighty Dragon lần đầu tiên được thử nghiệm vào tháng 1 năm 2011. Tin tức về các cuộc thử nghiệm này bị rò rỉ trên báo mạng Trung Quốc. Giới chức nước này ngay sau đó vài ngày đã xác nhận thông tin là có thực.

Các chuyên gia nhận định máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc có thể so sánh với chiếc F-22 Raptor do Mỹ sản xuất. Đây là máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất trên thế giới được nhất trí đưa vào sử dụng. Hơn nữa, các chuyên gia phương Tây khẳng định máy bay tàng hình này của Trung Quốc giống hệt chiếc do Mỹ sản xuất.

Máy bay tàng hình thế hệ thứ 5, F-22 Raptor của Không quân Hoa Kỳ

Phần đông đều tin rằng Trung Quốc đã có được những công nghệ hàng không tối tân nhất định trong đó có công nghệ tàng hình bằng cách ăn cắp từ Mỹ hoặc Nga. Cũng có những nghi ngờ về khả năng Trung Quốc đã chế tạo mẫu máy bay trên và bắt đầu các cuộc thử nghiệm quá nhanh. Lúc đầu các quan chức Trung Quốc nói rằng mẫu  máy bay mới trên sẽ được trình làng sớm nhất vào năm 2017. Giới chuyên gia Mỹ thì nghĩ rằng phải đến năm 2020 và thâm chí lâu hơn nữa Trung Quốc mới chế tạo thành công máy bay tàng hình.

Họ cho rằng hẳn Trung Quốc đã sao chép công nghệ tàng hình từ chiếc F-117 của Mỹ bị rơi tại Serbia năm 1999. Họ có thể đã mua những mảnh vỡ của chiếc máy bay từ nông dân địa phương.

Rõ ràng là Trung Quốc phản đối mạnh mẽ thông tin cho rằng chiến đấu cơ tàng hình mới của họ được chế tạo dựa trên công nghệ của nước khác. Giới chức Trung Quốc chỉ có thể lớn tiếng rằng đó là thành tựu của các nhà thiết kế và kỹ sử của họ. Đơn cử như một phi công tham gia cuộc thử nghiệm của Trung Quốc nói rằng một số thông số kỹ thuật của chiếc J-20 đã đánh dấu bước đột phá trong lĩnh vực công nghệ của đất nước.

Máy bay tàng hình của Trung Quốc được cho là sao chép nhiều từ các "đàn anh" của Nga và Mỹ

Trong khi đó, chiếc J-20 của Trung Quốc lại được trang bị các động cơ của Nga, tờ Wired nói. Chính vì thế, Trung Quốc sẽ không có khả năng triển khai sản xuất hàng loạt mẫu máy bay mới cho đến khi họ tự phát triển được các động cơ tương tự.

Tuy nhiên, việc tạo ra mẫu máy bay này của Trung Quốc dựa trên công nghệ phản radar và các bước phát triển quân sự khác đã gây ra những mối quan ngại đối với người Mỹ. Họ tin rằng trong năm ngoái Trung Quốc đã chi tới 180 tỉ USD vào lĩnh vực quốc phòng. Khoản ngân sách khổng lồ trên đã vượt quá số ngân sach quốc phòng được chính thức công bố cho năm nay là 106 tỉ USD.

Whashington tỏ ra quan ngại về một sự cạnh tranh nghiêm trọng, đặc biệt là trước những lỗi từng xảy ra với F-22 Raptor. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta gần đây đã ban hành lệnh hạn chế việc khai thác chiếc chiến đấu cơ đắt nhất nước Mỹ sau khi có nguồn tin tiết lộ rằng các phi công điều khiển bị “đầu độc từ từ” do những lỗi trong hệ thống tạo oxy trên khoang lái.

Thêm vào đó, sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc làm dấy lên những mối lo lắng trong Lầu Năm Góc xung quanh vấn đề liên quan đến Đài Loan. Phe Cộng hòa gần đây đã bỏ phiếu nhất trí việc Mỹ bán 66 chiến đấu cơ F-16 cho Đài Loan để bổ sung vào kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân Đài Loan. Chính quyền tổng thống Obama đã cho dừng toàn bộ kế hoạch bán ra mẫu máy bay mới để không làm tình hình xấu thêm nữa.

Hạ viện Mỹ mới đây đã thông qua việc bán 66 chiếc F-16 cho Đài Loan
trước việc gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc

Trong lúc đó, Đài Loan có thể lại dính líu tới khả năng bán lậu công nghệ của Mỹ cho Trung Quốc. Vào tháng 4 vừa qua, hai công dân Đài Loan định cư tại Mỹ đã bị bắt vì ý định mua bán các máy bay do thám, công nghệ tàng hình và các hệ thống chống máy bay. Các nguồn tin nói rằng họ đang chuẩn bị bán chúng cho Bắc Kinh sau đó, trang tin Americaru.com báo cáo.

Tính năng đặc biệt làm cho một chiếc máy bay thế hệ thứ 5 khác với người tiền nhiệm của nó rất đơn giản. Tất cả thông tin đều được xử lý và phân tích bởi hệ thống máy tính trên máy bay trước khi được hiển thị cho phi công nhìn thấy. Một chiếc máy bay như vậy có tính cơ động siêu cao. Nó cũng có khả năng bay ở tốc độ siêu thanh mà không cần kích hoạt hệ thống đốt phụ. Những tính năng như vậy có thể đạt được nhờ những động cơ tối tân.

Việc khai thác máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 được cho là sẽ rẻ hơn. Ví dụ, chi phí mỗi giờ khai thác máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Su-27 lên tới 10.000 USD trong khi đó đối với máy bay thế hệ thứ 5 con số đó giảm còn 1.500 USD.

Một chiếc phản lực thế hệ thứ 5 phải gần như vô hình dưới mọi trường vật lý. Tuy nhiên, giới phê bình nói rằng “khả năng vô hình” của máy bay công nghệ cao chỉ là một chuyện thần thoại. Để phát hiện ra đối phương, máy bay đó phải sử dụng radar mà ngay lập tức cho ra vị trí của nó. Hơn nữa, công nghệ phòng không lại đang phát triển cùng công nghệ tàng hình. Những radar công nghệ cao có thể “nhìn thấy” xa hơn rất nhiều so với trước kia. Như vậy vấn đề ở chỗ chỉ là khả năng quan sát là thấp hay cao hơn mà thôi.