Trung Quốc tăng cường tiềm lực hải quân để thực hiện tham vọng chủ quyền ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường nhiều loại tàu hiện đại đến hoạt động ở Biển Đông. Động thái này cùng nhiều hành vi đáng quan ngại khác của Trung Quốc đã khiến nhiều nước chỉ trích và đặt ra nhiều lo ngại có thể ảnh hưởng đến an ninh khu vực.
Tàu khu trục tàng hình Type 055 tham gia nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đến hoạt động ở Biển Đông

Tàu khu trục tàng hình Type 055 tham gia nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đến hoạt động ở Biển Đông

Nhiều loại tàu hiện đại được đưa tới Biển Đông

Mới hôm 8-4, tàu tên lửa tấn công nhanh Type 022 của Trung Quốc đã truy đuổi tàu của Philippines chở phóng viên Đài ABS-CBN đang tìm cách tiếp cận bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy tàu của Philippines sau đó đã quay lại đảo Palawan nhưng tàu hải cảnh và tàu tên lửa của Trung Quốc vẫn tiếp tục truy đuổi.

Theo tờ Rappler của Philippines, việc tàu hải cảnh Trung Quốc xua đuổi tàu Philippines không còn là chuyện hiếm trên Biển Đông nhưng điều đáng lo ngại ở đây là sự xuất hiện của tàu tên lửa hai thân Type 022. Hồi đầu tháng 4 vừa rồi, tờ The Inquirer của Philippines đã cảnh báo về việc Trung Quốc vừa điều động 3 tàu tấn công nhanh Type 022 mang tên lửa đến khu vực bãi đá Vành Khăn ở Trường Sa.

Được phát triển cho nhiệm vụ tấn công ở vùng biển sâu và tuần tra ven biển, Type 022 có thiết kế 2 thân cùng khả năng tàng hình và tốc độ tối đa lên đến 36 hải lý/giờ (khoảng 67km/giờ), nhanh hơn khá nhiều so với tốc độ của các loại tàu hộ tống và tàu khu trục, thường chỉ từ 25 - 30 hải lý/giờ. Về hỏa lực, Type 022 được trang bị hệ thống phóng 8 tên lửa đối hải YJ-83 có vận tốc âm thanh (hơn 1.000km/giờ) và có tầm bắn lên đến hơn 120km.

Thiết kế và các đặc trưng trên giúp Type 022 hoạt động khá linh hoạt. Sử dụng tốc độ và tên lửa chống hạm tầm xa, Type 022 có thể tìm cách áp chế các tàu mặt nước của đối phương và gây nhiễu các hệ thống phòng thủ, hoặc chỉ đơn giản là tấn công từ nhiều góc độ khác nhau cùng lúc. Hiện hải quân Trung Quốc có hơn 80 chiếc Type 022.

Cũng trong tuần này, lần đầu tiên tàu khu trục mới nhất của Trung Quốc thuộc loại Type 055 đã tham gia nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đến hoạt động ở Biển Đông. Đây là chiếc đầu tiên thuộc lớp Type 055 mang tên Nam Xương mà Trung Quốc có kế hoạch sẽ đóng 16 chiếc loại này. Đến nay, Bắc Kinh đã đưa vào hoạt động 2 chiếc Type 055. Trong đó, chiếc thứ 2 mang tên Lhasa được đưa vào sử dụng từ tháng 3 vừa qua.

Với độ choán nước lên tới hơn 12.000 tấn và dài gần 180m, Type 055 có kích thước ngang với tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ. Tuy nhiên, về sức mạnh tác chiến thì Type 055 thuộc nhóm tàu chiến nổi được trang bị vũ khí nhiều nhất và tối tân. Ngoài hệ thống pháo chính 130mm, pháo cận chiến 30mm có thể dùng để phòng không, Type 055 được trang bị tới 128 ống phóng tên lửa thẳng đứng, tức là còn nhiều hơn cả của tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ với 96 ống phóng.

Vũ khí mà Type 055 mang theo gồm các loại tên lửa đối không tầm trung lẫn tầm xa, các loại tên lửa hành trình dùng để tấn công tàu chiến cũng như tấn công đất liền. Các ống phóng của Type 055 còn có thể phóng ngư lôi. Ngoài ra, dòng tàu khu trục này còn sở hữu nhiều công nghệ tác chiến điện tử tối tân. Với hỏa lực trên, việc Type 055 được bổ sung vào nhóm tác chiến tàu sân bay không chỉ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng bảo vệ cho tàu sân bay, mà còn củng cố năng lực tấn công từ xa cũng như tác chiến trên biển.

“Cơn sốt” đóng tàu lớn chưa từng thấy

Từ năm 2015, Trung Quốc khởi động dự án quy mô lớn nhằm biến quân đội Trung Quốc trở thành “lực lượng đẳng cấp thế giới”. Tháng 4-2018, trong cuộc duyệt binh trên biển lớn nhất mà Trung Quốc từng triển khai với sự tham gia của 48 chiến hạm, hơn 10.000 quân và hàng chục máy bay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố tham vọng xây dựng lực lượng thể hiện sức mạnh của Trung Quốc trên các đại dương.

Hải quân Trung Quốc bắt đầu trong “cơn sốt” đóng tàu lớn chưa từng thấy trên thế giới. Theo Văn phòng tình báo hải quân Mỹ (ONI), nếu như năm 2015, hải quân Trung Quốc chỉ có 225 chiến hạm trong biên chế thì tới cuối năm 2020, con số này đã là 360 chiến hạm, nhiều hơn Mỹ 63 chiếc. Chỉ riêng trong năm 2019, đã có tới 24 chiến hạm lớn nhỏ các loại, từ khu trục hạm đến tàu đổ bộ và khinh hạm, được hạ thủy.

Hiện Trung Quốc sở hữu năng lực đóng tàu mạnh nhất thế giới, khi chiếm 40% thị trường đóng tàu toàn cầu tính theo lượng giãn nước, bỏ xa Hàn Quốc ở vị trí thứ hai với 25% thị phần, theo số liệu năm 2018. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 1-2021, cựu thuyền trưởng Thomas Shugart cho biết: “Với tốc độ đóng tàu hải quân hiện tại cùng năng lực chiến hạm mới của Trung Quốc, họ phát triển hải quân từ quân chủng phòng thủ bờ biển thành lực lượng mạnh nhất khu vực, một số khía cạnh đạt mức toàn cầu”. Dự kiến đến năm 2025, hải quân Trung Quốc có thể biên chế tới 400 chiến hạm, trong khi hải quân Mỹ chỉ đặt mục tiêu duy trì hạm đội 355 chiếc.

Không chỉ gia tăng về số lượng, theo ông Andrew Erickson, chuyên gia tại Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Hải quân Mỹ, hải quân Trung Quốc không còn phải nhận hàng thải từ ngành công nghiệp đóng tàu, thay vào đó là những chiến hạm ngày càng tinh vi và có năng lực, trọng tải lớn và mang nhiều vũ khí hơn. Tàu hải quân Trung Quốc lại được bảo vệ bằng lực lượng tên lửa quy mô lớn tại đại lục, giúp tăng sức mạnh trong mọi cuộc xung đột gần nước này.

Về tàu sân bay, hải quân Trung Quốc đang sở hữu hai tàu sân bay có thiết kế tương tự tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay do Liên Xô phát triển từ vài thập kỷ trước là tàu Liên Ninh và Sơn Đông. Tuy nhiên, 2 tàu sân bay này bị giới hạn về tầm hoạt động cùng số lượng máy bay và vũ khí. Thời gian hoạt động liên tục không cần tiếp liệu của 2 tàu này là chưa đầy một tuần. Trong năm nay, Trung Quốc dự kiến hạ thủy chiếc tàu sân bay thứ 3 và chuẩn bị đóng chiếc thứ 4.

Hộ tống các tàu sân bay là đội tàu khu trục tàng hình Type 055. Đây được xem là chiến hạm mạnh thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau khu trục hạm lớp Zumwalt của Mỹ. Hiện đã có 2 chiếc Type 055 được đưa vào hoạt động. Theo tạp chí quân sự Trung Quốc Ordnance Industry Science Technology, Công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) đang hoàn thành đơn hàng đóng 20 tàu hộ vệ được nâng cấp Type 054B.

Liên quan đến tàu ngầm, theo báo cáo của Vụ khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS), đến năm 2019, Hải quân Trung Quốc sở hữu 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công (dùng điện-diesel). Tất cả 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân đều là loại mới. Bên cạnh đó, 42 trong số 50 tàu ngầm điện diesel cũng là loại mới Type 39A (tức tàu ngầm lớp Kilo của Nga) và tàu ngầm lớp Nguyên. Dự kiến đến năm 2030, đội tàu ngầm của Trung Quốc sẽ có 76 chiếc, so với con số 66 chiếc của Mỹ. Cùng với tham vọng độc chiếm Biển Đông, việc mở rộng cấp tốc các đội tàu của hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động tới an ninh của khu vực.