Trung Quốc siết chặt hoạt động “đào” bitcoin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trung Quốc có công suất “đào” bitcoin chiếm khoảng 75% công suất toàn thế giới, nhờ chuỗi cung ứng công nghệ đã được thiết lập và giá điện cực rẻ. Ngành công nghiệp khai thác tiền điện tử đã tạo ra 1,7 tỷ USD vào tháng 4-2021. Nhưng mới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc công bố rằng, chính phủ sẽ “kiểm soát hoạt động khai thác và kinh doanh bitcoin” để đảm bảo sự ổn định tài chính.
Một cơ sở “đào” bitcoin được dựng lên ngay cạnh trạm thủy điện ở khu tự trị Mabian Yi, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc thời điểm tháng 4-2017

Một cơ sở “đào” bitcoin được dựng lên ngay cạnh trạm thủy điện ở khu tự trị Mabian Yi, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc thời điểm tháng 4-2017

Những trận mưa như trút nước vào mùa xuân ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc đưa nhiều xe tải chất đầy máy tính đến các đập thủy điện, nơi các doanh nhân có thể khai thác điện giá rẻ để khai thác bitcoin - đồng tiền điện tử tích lũy được từ một lượng lớn các phép tính toán giải phương trình. Khai thác tiền điện tử đòi hỏi một lượng lớn lượng điện tiêu thụ, nên điện là một khoản chi phí đáng kể. Vì thế khi mưa nhiều, các thợ đào đổ xô đến các trạm thủy điện của Tứ Xuyên, nơi có nguồn cung cấp điện dồi dào và ít cạnh tranh với điện lưới sản xuất, sinh hoạt. Các chính quyền địa phương thường sẽ cung cấp điện giá rẻ, thậm chí miễn phí để thu hút việc làm và tăng tổng sản phẩm quốc nội.

Nhưng chính phủ Trung Quốc cho đến nay không ủng hộ hoặc cho phép các tổ chức tài chính giao dịch tiền điện tử. Khi các thợ đào kiếm được tiền điện tử, họ phải bí mật trao đổi chúng với tư cách cá nhân, thường là ở nước ngoài. Hôm 21-5-2021, nhà chức trách thông báo sẽ siết mạnh hoạt động khai thác tiền điện tử, khiến giá bitcoin giảm mạnh 30% và tạo ra một cú sốc trong toàn bộ ngành công nghiệp này.

Hệ quả là, trong tháng 5-2021, một số công ty hàng đầu liên quan đến khai thác tiền điện tử đã bắt đầu tạm dừng hoạt động ở Trung Quốc. Sàn giao dịch tiền điện tử Huobi đã đình chỉ các dịch vụ lưu trữ máy khai thác cũng như một số dịch vụ giao dịch, trong khi nhà khai thác tiền điện tử HashCow - sở hữu các trang trại đào tiền ảo lớn nhất thế giới - cho biết họ sẽ ngừng bán máy cho khách hàng ở Trung Quốc.

Jiang Zhuoer, Giám đốc điều hành của BIT.TOP, chiếm hơn 18% cơ sở hạ tầng khai thác bitcoin của Trung Quốc, đã thông báo về việc sẽ chủ yếu chuyển sang “đào” tiền ảo ở Bắc Mỹ. “Không đáng phải chịu rủi ro do các quy định mới”, Jiang Zhuoer cho biết.

Ngoài mục tiêu kiểm soát ngành công nghiệp “đào” bitcoin tốt hơn, Trung Quốc cũng bắt đầu lo ngại cho thiệt hại về môi trường do khai thác tiền điện tử. Trung Quốc đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2060. Trong khi đó, hoạt động khai thác bitcoin ở Trung Quốc được dự báo sẽ tạo ra hơn 130 triệu tấn khí thải carbon vào năm 2024, đồng thời chiếm 29% lượng tiêu thụ điện năng cho toàn bộ hoạt động đào tiền ảo trên thế giới.

Đáng nói, sau mùa hè tận dụng nguồn thủy điện sẵn có, đến mùa đông mưa ít, các thợ “đào” bitcoin phải tìm nguồn năng lượng giá rẻ thay thế và không gì hợp lý hơn nhiệt điện - than đá. Vậy là việc “đào” bitcoin có người cho là ngành công nghiệp xanh nhất thế giới lại biến thành đốt than để tạo ra tiền tệ. Nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch tăng cao đã khiến một số công nhân khai thác than khởi động lại các mỏ mà không có sự chấp thuận chính thức, dẫn đến gia tăng các vụ tai nạn chết người. Mao Shixing, đồng sáng lập của F2Pool, một trong những nhóm khai thác tiền điện tử lớn nhất thế giới, nói với TIME: “Điều đó cũng dẫn đến việc các máy khai thác sử dụng nhiều năng lượng cũ được bật trở lại, vì vậy mức tiêu thụ điện thực sự đã tăng lên”.

Có lẽ từ nay các thợ “đào” bitcoin sẽ không còn đuổi theo những cơn mưa mùa xuân ở Tứ Xuyên như trước đây. Ngay cả trước đợt chấn chỉnh lần này, các hoạt động khai thác bitcoin đã có sự chuyển dịch dần sang các quốc gia có nhiệt độ mát mẻ quanh năm và nguồn cung cấp năng lượng tái tạo ổn định, chẳng hạn như Canada và Iceland. Các nhà phân tích dự báo, một số doanh nghiệp “đào” tiền ảo lớn có thể chạy khỏi Trung Quốc để tìm kiếm các nước chủ nhà thay thế, chẳng hạn như Mông Cổ, Kazakhstan hay Afghanistan.