Giới học giả quốc tế nhận định

Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ thua kiện và phải trả giá đắt

ANTĐ - Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 John Ashe ngày 10-6 bày tỏ và chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình đang diễn ra tại Biển Đông, ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng hiện nay theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Đa số ý kiến của các luật sư, chuyên gia luật quốc tế và các học giả tại châu Âu đều cho rằng đưa các tranh chấp ra phân xử tại Tòa án quốc tế là cách thức tốt nhất khi một nước nhỏ bị một nước lớn xâm phạm. Theo họ, đưa tranh chấp ra phân xử tại các định chế quốc tế là cách tự bảo vệ hiệu quả nhất. Ý kiến của luật sư Eric Van Hooydonk - Chuyên gia Luật Quốc tế cho rằng: “Trong trường hợp hai bên không tìm được giải pháp dựa trên đàm phán song phương hay đa phương thì có thể đưa vụ việc ra Tòa án Công lý quốc tế hay Tòa án quốc tế về Luật Biển tại Đức, xét xử dựa trên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển. Cách khác là tìm giải pháp thông qua cơ chế trọng tài”.

Luật sư Bernard Insel - Chuyên gia Luật Hàng hải Quốc tế nhận định: “Vấn đề có thể phức tạp hơn khi chúng ta biết rằng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nơi đặt giàn khoan căn cứ trên vị trí các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Thế nhưng, quần đảo Hoàng Sa lại là nơi Việt Nam có chủ quyền và là nơi Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất gặp rắc rối kiểu này. Chẳng hạn như Philippines cũng có những tranh chấp với Trung Quốc với tính chất rất giống với tranh chấp hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Philippines đã chọn cách đưa vụ việc ra công lý quốc tế”. 

Đánh giá Trung Quốc “trắng trợn xâm phạm” vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hội Luật gia Dân chủ quốc tế - IADL tuyên bố ủng hộ Việt Nam đòi lại chủ quyền. “Trung Quốc đang hành động trái pháp luật, không có bất cứ điều gì biện hộ cho sự hung hãn của nước này”,  IADL khẳng định Luật Hàng hải không cho phép bất cứ tàu nào đâm vào tàu khác nhất là vùng biển đó thuộc về Việt Nam. Chiếu theo Công ước quốc tế và Luật biển, Trung Quốc đã sai, đã vi phạm pháp luật quốc tế về những tranh chấp trên biển, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc nên Việt Nam có quyền kiện ra tòa án quốc tế với thế mạnh pháp lý. 

Ông Jitendra Sharma (Chủ tịch danh dự, nguyên Chủ tịch IADL) khẳng định “Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện tất cả các bước phù hợp để đối phó. Đó là quyền của Việt Nam. IADL luôn sát cánh với đất nước và người dân Việt Nam, giúp đỡ hết sức để giải quyết những vấn đề đang diễn ra ở Biển Đông. “Bất cứ khi nào Chính phủ Việt Nam đưa cụ thể vấn đề pháp lý, chúng tôi sẽ giúp đỡ. Những luật sư có kinh nghiệm của IADL sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam”.

Truyền thông quốc tế thời gian qua cũng có nhiều bài viết phân tích, lên án hành động vu khống của Trung Quốc đối với Việt Nam tại Liên hợp quốc. Tờ The Diplomat, tạp chí chuyên bình luận các vấn đề chính trị - an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản nhận định rằng Trung Quốc đang chơi một ván bài nguy hiểm bởi trên thực tế bản đồ “đường lưỡi bò” của nước này nuốt trọn gần cả Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Do đó, Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ thua kiện. Báo Diplomat cũng cho rằng, nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ Nhật Bản, Australia, Mỹ và các nước khác.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 9-6 dẫn phát biểu của Giáo sư Carl Thayer nêu rõ, cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục bằng hình ảnh về việc tàu Việt Nam tìm cách tấn công tàu của họ, trong khi Việt Nam đã công bố các hình ảnh rõ ràng cho thấy tàu Trung Quốc hung hăng, liên tiếp va húc và đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Theo ông Thayer, các phát biểu vu khống của phía Trung Quốc là cách thức điển hình mà Bắc Kinh thường sử dụng để lật ngược sự thật.

Còn theo Thời báo phố Wall (WSJ), Trung Quốc vẫn đang khăng khăng từ chối giải quyết tranh chấp thông qua tiến trình pháp lý quốc tế nhằm giải quyết những tranh chấp với Manila. Nhưng Tòa án quốc tế có thể sẽ nhanh chóng giải quyết vụ kiện vào đầu năm 2015 với phán quyết có nhiều khả năng sẽ nghiêng về phía Manila. Theo WSJ, phán quyết cho rằng những tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý dù không thể thay đổi được hành động của Trung Quốc hiện nay nhưng cũng sẽ khiến cho nước này không còn dễ dàng vu khống các nước láng giềng hay dễ dàng tự cho mình tuân thủ luật pháp quốc tế được nữa.

Tờ National Interest (Mỹ) dẫn lời ông Jerome Cohen - Giám đốc Viện Luật Mỹ - châu Á thuộc trường Luật, Đại học New York (Mỹ) và ủy viên hỗ trợ cấp cao về châu Á tại tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại cho rằng: Tất cả các nước láng giềng đang có tranh chấp với Trung Quốc cần phải đoàn kết lại, đưa vấn đề lên Tòa án quốc tế. Lập trường pháp lý chống tòa trọng tài của Trung Quốc đang thúc đẩy các nước láng giềng tăng cường hợp tác phòng thủ với nhau, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ nhiều hơn từ những quốc gia lớn bên ngoài khu vực.

GS Jerome A. Cohen cũng cho rằng: “Việc giải quyết hòa bình sẽ phụ thuộc vào chính sách ngoại giao, nhưng ngoại giao không nên bỏ qua sự trợ giúp mà thể chế pháp lý quốc tế có thể mang lại. Dù không phải là liều thuốc chữa bách bệnh, nếu viện dẫn đúng cách, chúng có thể đóng một vai trò rất hữu ích. “Cái tiếng” mà Trung Quốc có được nhờ đi ngược lại mong muốn hòa hảo của các nước láng giềng và luật pháp quốc tế sẽ khiến cho nước này phải trả một cái giá đắt. Do vậy, khi chính thức đưa đơn kiện lại Trung Quốc về vấn đề chủ quyền, bản thân việc khởi kiện đã là một lời tuyên bố mạnh mẽ của Việt Nam về niềm tin vào công lý và luật pháp quốc tế và là một lời kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm thật sự vào việc này”.