Trung Quốc: Sâu tham nhũng đục khoét nghiêm trọng ngành dầu khí

ANTĐ - Đằng sau sự cố liên tiếp trong ngành dầu khí Trung Quốc là các vấn đề như công tác vận hành dự án ngành hóa dầu bất hợp lý và tình trạng tham nhũng.

Đại Liên “rực sáng”

Gần đây nhất là sự cố phát nổ và bốc cháy do rò rỉ dầu từ đường ống dẫn dầu ở khu khai phát Kim Châu, Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc  vào 18h tối 30-6-2014. Theo thống kê, tính từ năm 2010, đây là sự cố khá lớn thứ 8 xảy ra tại đường ống dẫn dầu thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần TNHH Dầu khí Trung Quốc (viết tắt là Công ty Trung Thạch Dầu). Được biết, Công ty Trung Thạch Dầu được Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC) – công ty sản xuất dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc, thành lập vào năm 1999.

Một người trong ngành dầu mỏ đã thẳng thắn nhận xét, đằng sau việc liên tiếp xảy ra sự cố, là các vấn đề tầng sâu như công tác vận hành dự án trong ngành hóa dầu bất hợp lý, tồn tại xây dựng trùng lặp. “Quả bóng” trách nhiệm về sự cố lần này có thể sẽ bị đá sang một đơn vị khác.

Bức ảnh lan truyền trên mạng về vụ nổ do rò rỉ dầu tại Đại Liên ngày 30-6


Theo truyền thông Trung Quốc, 18h58 ngày 30-6, một đường ống dẫn dầu “lớn và mới” của Công ty Trung Thạch Dầu ở Đại Liên bị thủng, dầu thô tràn vào mạng lưới đường ống nước thải của thành phố, tại cửa thoát của các đường ống xả nước thải lại có mồi lửa. Dầu nhanh chóng bắt lửa và gây nên vụ nổ kinh hoàng. Hình ảnh trên các trang mạng cho thấy một vùng trời rực sáng và cột khói đen khổng lồ bốc cao nghi ngút. Đến 22h20, ngọn lửa mới được dập tắt. Tuy sự việc đã xảy ra được 3 ngày, nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo thương vong.

Cơ quan ứng phó khẩn cấp của thành phố Đại Liên sau điều tra sơ bộ đã cho biết, Công ty Trung Thạch Dầu đang tổ chức nhân viên tiến hành xử lý số lượng dầu bị tràn do sự cố. 5 người liên quan thuộc đơn vị gây ra sự cố này đã bị bắt giữ để điều tra.

Sự việc lần này không giống với một số sự cố trước đó do nguyên nhân như thi công không đúng quy cách, trang mạng của Công ty Trung Thạch Dầu ngày 2-7 công bố thông tin, nguyên nhân sự cố ngày 30-6 là “Công ty TNHH Xây dựng công trình Nhạc Lâm Đại Liên trong khi khoan cọc nhồi xây dựng gần khu vực bãi đỗ xe ở đường Tân Khu, thuộc quận Kim Châu, đã khoan vào đường ống dẫn dầu của Công ty Trung Thạch Dầu, gây ra sự cố tràn dầu”. Tuy nhiên, người công tác trong ngành dầu mỏ cho rằng, đối với sự việc lần này, Trung Thạch Dầu cũng “khó đổ lỗi cho kẻ khác”.

Trang “Tin tức kinh tế mỗi ngày” dẫn lời của nhà phân tích Vương Sảnh Sảnh cho biết: “Một mặt, trong quy hoạch thành phố, những nơi có đường ống dẫn dầu chạy qua đều cần có ký hiệu tọa độ để xác định, trước khi thi công ngành xây dựng cần tìm hiểu thực địa trước, xác định một cách toàn diện các vấn đề và hê thống đường ống ngầm dưới lòng đất, đồng thời thực hiện công tác bảo hộ đảm bảo. Mặt khác, xác suất rủi ro từ hệ thống đường ống dẫn dầu khá cao, theo lý thuyết không nên bố trí đường ống dầu trong nơi tập trung nhiều người đi lại và trục đường giao thông chính. Trong khi đó, sự cố tại Đại Liên xảy ra ở khu vực không chỉ có nhiều nhà dân, mà còn gần nhiều trường đại học của thành phố này”.

Ông Vương Sảnh Sảnh nhận định, do Công ty Trung Thạch Dầu và Công ty TNHH Xây dựng công trình Nhạc Lâm Đại Liên đều có trách nhiệm trong sự cố này, nên việc phân định rõ lỗi vi phạm là khá phức tạp.

"Trùng" tham nhũng đục khoét

Từ năm 2010 đến nay, hệ thống đường ống dẫn dầu của Công ty Trung Thạch Dầu ở thành phố Đại Liên đã xảy ra nhiều sự cố, nguyên nhân đa phần do đường ống dẫn hoặc bể dự trữ dầu bắt lửa.

Tháng 7-2010, một đường ống dẫn dầu từ một bể dự trữ ở bến phà Tân Cảng (thành phố Đại Liên) của Công ty Trung Thạch Dầu bị cháy nổ. 3 tháng sau, cuối tháng 10-2010, các công nhân trong khi tháo dỡ bể dầu gặp sự cố vào tháng 7 đã tiếp tục gặp phải sự cố cháy nổ dầu. Tháng 12 năm đó, khu vực gần bể dự trữ dầu ở Tân Cảng, Đại Liên xảy cháy, đám cháy cách bể chứa dầu số 103 – bể đã xảy ra sự cố vào tháng 7 chỉ có 80m.

Tháng 7, 8 và 11-2011, thành phố Đại Liên liên tục xảy ra 3 sự cố liên quan đến đường ống dẫn dầu của Công ty Trung Thạch Dầu. Đến tháng 6-2013, bể chứa dầu số 939 ở công ty chi nhánh hóa dầu Đại Liên, thuộc Công ty Trung Thạch Dầu, có trụ sở tại quận Cam Tỉnh Tử, bị cháy, khiến 2 người bị thương, 2 người mất tích.

Tờ “Nhật báo tài kinh số 1” dẫn lời của giáo sư Ngô Trường Xuân, giảng dạy tại khoa công trình vận chuyển và dự trữ dầu khí của trường Đại học dầu mỏ Trung Quốc cho biết, từ những năm 70 của thế kỷ trước đến nay, Đại Liên đã trở thành trung tâm gia công và vận chuyển dầu tại vùng đông bắc của Trung Quốc nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi gần biển. Hiện nay, Đại Liên cũng là cảng khẩu quan trọng để nhập khẩu dầu thổ, thành phố này có khả năng gia công dầu thô khá lớn.  Do đó, vấn đề an toàn trong công tác vận chuyển và dự trữ dầu cần đặc biệt phải coi trọng. “Tuy nhiên, các đường ống dẫn dầu tại đây đều đang gặp phải rủi ro phổ biến trong công tác thi công xây dựng của thành phố” – ông Ngô Trường Xuân nói.

Công ty Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc


Một trong những rủi ro tiềm ẩn là, nơi thi công các công trình trong thành phố khá gần vị trí mạng lưới dẫn dầu. Đây là một sự bố trí không hợp lý. Ngoài ra, rủi ro cũng liên quan đến độ an toàn của mạng lưới dẫn dầu và tuổi thọ của đường ống. Đường ống bị thủng trong sự cố ngày 30-6 vừa qua là một đường ống còn khá mới. Nhưng thực tế, một số hệ thống đường ống tại khu vực phía đông bắc Trung Quốc được bắt đầu vận hành từ năm 70 của thế kỷ 20 đã bị các con sâu tham nhũng đục khoét nghiêm trọng.

Theo tài liệu được công bố, đến tháng 6 năm nay, qua bước đầu điều tra, toàn tỉnh Liêu Ninh đã phát hiện 4.126 địa điểm có nguy cơ về an toàn đường ống dẫn dầu. Việc xử lý những nơi tiềm ẩn nguy hiểm này không phải là dễ dàng.

Trong một cuộc điều tra vào cuối năm 2013, hãng Tân Hoa xã chỉ ra, một phần của một nhà máy sản xuất bật lửa ở thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, được xây dựng trên đường ống dẫn dầu thô có tuổi thọ 16 năm. Sau đó, cơ quan giám sát an toàn sản xuất tại địa phương đã ra văn bản cưỡng chế yêu cầu nhà máy này dừng sản xuất để chỉnh đốn lại kiến trúc. Tuy nhiên, một công ty đánh giá về an toàn lại cho rằng việc chỉnh sửa xây dựng của nhà máy sản xuất bật lửa này càng khiến người dân lo lắng hơn, khi khoảng cách di dời là từ 8-20 m – khoảng cách an toàn giữa khu sản xuất này và đường ống dẫn dầu là không đủ. Sau khi di dời, đường ống dẫn dầu vẫn đi xuyên qua nhà máy sản xuất bật lửa, rủi ro tai nạn cháy nổ vẫn còn nguyên.

Danh sách các ông “vua dầu mỏ” của Trung Quốc bị mất ghế ngày một được nối dài khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 và phát động chiến dịch quét sạch nạn tham nhũng. Tưởng Khiết Mẫn, người đứng đầu Ủy ban chuyên giám sát tài sản quốc gia trực thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, đã bị “ngã ngựa” do dính líu tới tham nhũng.

Trước khi bị cơ quan chính phủ Trung Quốc điều tra, ông này đã 6 năm liền làm tổng giám đốc Công ty Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC). Nguyên phó tổng giám đốc Công ty Trung Thạch Dầu – ông Lý Hoa Lâm cũng đã bị “mất ghế”.  Hồi tháng 5 năm nay, Văn phòng Giám sát thuộc Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc thông báo, Bạc Khởi Lượng - một quan chức cấp cao của Công ty Trung Thạch Dầu bị điều tra do nghi ngờ gây ra sai phạm nghiêm trọng – cụm từ ám chỉ tham nhũng tại Trung Quốc. Đầu tháng 7, ông Vương Vĩnh Xuân – nguyên phó tổng giám đốc CNPC bị khai trừ khỏi đảng với lý do tương tự.

Ông Tưởng Khiết Mẫn


Hội nghị ngày 30-6-2014 của Bộ Chính trị Trung Quốc nhấn mạnh thái độ rõ ràng của Trung ương ĐCS Trung Quốc trong việc thắt chặt kỷ luật Đảng, kiên quyết chống tham nhũng. Trung Quốc xác định đây là một cuộc chiến lâu dài, khó khăn và phức tạp, không bao che, dung túng cho các hoạt động tham nhũng. Quyết tâm chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc càng lớn, thực trạng thối nát và mục ruỗng của bộ máy công quyền tại đất nước này càng bộc lộ rõ với vô số cán bộ và quan chức biến chất.