Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, tỷ giá có bị ảnh hưởng?

ANTD.VN - Đồng nhân dân tệ được dự báo sẽ tiếp tục giảm sâu, gây áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới. Bài toán điều hành tỷ giá của Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn.

Áp lực lên đồng Việt Nam

Ngày 5/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã hạ tỷ giá tham chiếu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, khiến tỷ giá nhân dân tệ (CNY) tại thị trường cả trong và ngoài Trung Quốc giảm quá mốc 7 tệ đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Cú sụt này khiến thị trường tài chính toàn cầu rúng động và Mỹ đã chính thức gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ đầu tháng 9 tới là nguyên nhân chính khiến đồng CNY rớt giá.

Việc tỷ giá CNY/USD xuyên thủng ngưỡng tâm lý này khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi khác ít nhiều chịu áp lực. Tại Việt Nam, trong vài phiên trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm.

Cụ thể, ngày 6/8, tỷ giá trung tâm tăng thêm 15 VND lên mức 23.115 VND/USD, ngày 7/8 tăng thêm 2 VND/USD lên 23.117 USD/ounce. Đây cũng là mức tỷ giá trung tâm cao nhất từ trước đến nay mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng.

Theo các chuyên gia, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng mạnh trong những ngày gần đây là cần thiết và kịp thời, trong bối cảnh CNY mất giá, tạo áp lực nhất định lên đồng nội tệ của Việt Nam.

Bởi nếu đồng CNY mất giá mạnh so với USD mà VND lại lên giá so với CNY thì Việt Nam sẽ bất lợi. Do đó, NHNN buộc phải tăng tỷ giá trung tâm để phù hợp với thực tế tình hình. Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ hỗ trợ kiểm soát phần nào tình trạng mất cân đối trong tương quan mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Không nên quá lo lắng 

Mặc dù tỷ giá đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, nhưng theo nhận định của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), với nhiều dư địa trong chính sách tiền tệ cùng nguồn dự trữ và nguồn cung ngoại tệ trong nước, tỷ giá USD/VND nếu có biến động sẽ nằm trong vùng dao động của đợt biến động cuối tháng 5 đầu tháng 6 tức là vùng từ 23.250 đến 23.350 VND/USD.

Áp lực điều hành tỷ giá sẽ tăng lên từ nay đến cuối năm

Cùng chung nhận định, các chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên NHNN vẫn đang còn khá nhiều dư địa để điều hành trước diễn biến mới của đồng CNY.

BVSC cho rằng, dù có thể chịu sức ép giảm giá theo đồng nhân dân tệ nhưng NHNN sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND giảm giá quá sâu (trên 3%) nhằm tránh rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ.

Các chuyên gia cũng nhận định, dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dự kiến còn kéo dài nhưng có thể nhưng Trung Quốc cũng không hoàn toàn muốn một kịch bản giảm giá mạnh của đồng nội tệ. Bởi điều này có thể sẽ “kích hoạt” một làn sóng rút vốn nước ngoài mạnh hơn nữa, gây thêm bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời làm xói mòn dự trữ ngoại hối của nước này.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường không nên quá lo lắng vì Trung Quốc cũng khá thận trọng và sẽ cân nhắc khi điều chỉnh tỷ giá. Bởi mặt trái của việc này sẽ khiến nợ nước ngoài, nợ của doanh nghiệp bằng ngoại tệ của Trung Quốc sẽ tăng lên.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng không muốn Mỹ tiếp tục “gắn mác” thao túng tiền tệ, gây bất lợi và rủi ro lớn cho Trung Quốc.

Về tác động đến tỷ giá Việt Nam, TS Cấn Văn Lực cho rằng, VND sẽ có tác động nhưng không nhiều vì CNY chỉ là 1 trong 8 loại tiền chủ chốt để NHNN tính toán tỷ giá trung tâm. Tuy nhiên, bài toán tỷ giá trong nước từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều rủi ro hơn, vì Trung Quốc điều chỉnh CNY sẽ kéo theo một số ngân hàng trung ương của các quốc gia khác cũng điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ.