Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ: Việt Nam có thể biến nguy cơ thành cơ hội

ANTĐ - Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế thế giới, sau 3 ngày phá giá liên tục làm giá đồng nhân dân tệ giảm tới trên 4% theo giá tham chiếu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và tới trên 5% trên thị trường tự do đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là khi Việt Nam luôn nhập siêu lớn từ quốc gia láng giềng này. 
Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ: Việt Nam có thể biến nguy cơ thành cơ hội ảnh 1

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 4,36 tỷ USD, nâng tổng mức nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm từ nước này lên 28,4 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,34 tỷ USD trong tháng 7 và đạt hơn 9 tỷ USD trong 7 tháng.

Như vậy, tổng mức nhập siêu từ thị trường Trung Quốc trong tháng 7 là trên 3 tỷ USD, còn mức nhập siêu 7 tháng là khoảng 19,3 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi phá giá, đồng tiền Trung Quốc đang tạm thời ổn định. Và thế giới cũng đã bình tĩnh để lượng định những thuận và lợi đối với nền kinh tế nước mình trước sự vô trách nhiệm với nền kinh tế thế giới của nhà cầm quyền Trung Quốc cùng sự mong manh của nền kinh tế được coi là lớn thứ hai thế giới này. 

Với Việt Nam cũng vậy, mọi yếu tố, mọi ngành sản xuất và kinh doanh đã phải xem xét chi tiết hiện trạng cũng như những kế hoạch tương lai. Và như nhiều chuyên gia nhận định: Dù có tác động mạnh, nhưng với những giải pháp kịp thời của Chính phủ và cụ thể hơn là Ngân hàng Nhà nước, có thể nói, chúng ta không phải là bên bị hại của kỳ phá giá nhân dân tệ này, dĩ nhiên để có lợi, chúng ta phải có nhiều cố gắng. 

Nhập khẩu từ Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng 

Những dự báo về việc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng không phải chỉ từ các chuyên gia trong nước. Công ty chứng khoán HSC ước tính, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc có thể tăng thêm 0,6-0,8% nếu đồng nhân dân tệ giảm giá 1% so với đồng VND. Như vậy với mức giảm giá 5%, Việt Nam sẽ tăng nhập siêu lên 5%. Tuy nhiên, mức nhập siêu này với sự giảm giá của đồng nhân dân tệ, kéo theo sự giảm giá của hàng hóa Trung Quốc, sự tăng cả giá trị cả về lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không phải là điều xấu, nếu xét cơ cấu hàng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.

Hiện nay,  tính trên giá trị, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc theo cơ cấu: gần 60% nguyên vật liệu cho sản xuất, hơn 30% cho máy móc thiết bị, khoảng 10% cho tiêu dùng. Cụ thể như sau: Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm, ước tính Việt Nam nhập khẩu 28,8 tỷ USD từ Trung Quốc trong khi giá trị xuất khẩu chỉ đạt 9,3 tỷ USD, ghi nhận nhập siêu trên 19 tỷ USD với Trung Quốc.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy chúng ta nhập nhiều nhất là máy móc thiết bị, phụ tùng… tới 5,291 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may, da giày 1,033 tỷ USD, vải 3 tỷ USD, linh kiện điện tử, máy vi tính 2,815 tỷ USD, linh kiện điện thoại và điện thoại  3,88 tỷ USD… Các số liệu cũng cho thấy hàng tiêu dùng nhập từ Trung Quốc mỗi năm một giảm và 7 tháng đầu năm, hàng tiêu dùng nhập từ Trung Quốc giảm xuống dưới 10% tổng giá trị hàng nhập khẩu. 

Như vậy, 90% giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là để phục vụ sản xuất mà sản xuất để xuất khẩu là chủ yếu. Chính vì vậy, việc máy móc, nguyên phụ liệu, linh kiện dành cho sản xuất xuất khẩu hạ giá có thể là một lợi thế để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh. Tất nhiên, trong xuất khẩu ra thị trường thế giới chúng ta cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Sau khi phá giá đồng nhân dân tệ, hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng sức cạnh tranh, nhất là trong nhiều ngành hàng chúng ta phải cạnh tranh trực tiếp với họ như dệt may, thủy hải sản… Để biến một lợi thế đầu vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị thành lợi thế cạnh tranh trên thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp chúng ta phải tăng năng suất lao động, giảm chi phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Có nhiều chuyên gia lo lắng hàng tiêu dùng Trung Quốc sẽ lấn hàng Việt Nam trên thị trường trong nước. Tuy nhiên nhiều người không đồng ý với ý kiến đó. Hàng tiêu dùng Trung Quốc dần mất vị thế ở Việt Nam không phải do yếu tố giá mà do các doanh nghiệp Việt Nam đã dần đáp ứng được nhu cầu thị trường với giá chấp nhận, chất lượng tốt hơn hàng Trung Quốc, mặt khác hàng hóa Trung Quốc tự đánh mất uy tín bởi chất lượng và sự thiếu an toàn cho sử dụng, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản thực phẩm và đồ nhựa, vốn là thế mạnh của họ. Vì vậy, mặc dù giá có hạ thêm, hàng tiêu dùng Trung Quốc cũng khó tăng thị phần trên thị trường Việt Nam. Những diễn biến bình thường, thậm chí im ắng hơn trên các cửa khẩu phía Bắc trong tuần vừa qua cho thấy nhận định đó đúng.

Mối lo chính là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Về xuất khẩu, nhóm ngành gặp bất lợi nhiều nhất khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ là nhóm sản phẩm tiêu dùng, sắt thép, phân bón và nhóm nông lâm thủy sản, khoáng sản, cao su xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy sản. Trung Quốc đang là thị trường chính tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản Việt với 85% sắn xuất khẩu vào Trung Quốc, gạo xuất khẩu vào thị trường này là 35% và cao su là 40%...

Trong khi đó, tình hình xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang kém vui so với năm ngoái. Cụ thể, mặc dù Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 với 38,1% thị phần, nhưng xuất khẩu gạo sang thị trường này có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 9,04% về khối lượng và giảm 13,25% về giá trị).

Với việc phá giá đồng nhân dân tệ, với những hợp đồng thanh toán bằng USD, doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc sẽ phải tăng thêm khoảng 4% để chi trả cho một đơn hàng với giá như trước đây, sẽ làm khó cho các thương nhân Trung Quốc và nếu các thị trường khu vực có giá thấp hơn (do họ cũng phá giá đồng tiền theo Trung Quốc) chúng ta có khả năng sẽ mất thị phần tại Trung Quốc. Tuy nhiên, với lợi thế chung biên giới, đường vận chuyển gần hơn, giá hàng hóa sẽ rẻ hơn và quan trọng, lịch sử giao thương lâu năm giữa hai thị trường là một lợi thế mà thương nhân hai nước đều tận dụng. 

Nhưng với những tính toán kỹ lưỡng, Việt Nam hoàn toàn có thể biến nguy cơ thành cơ hội sau sự kiện phá giá mạnh của đồng Nhân dân tệ. Nhiều chuyên gia đã coi đợt phá giá này là cơ hội để Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, cải thiện cán cân thanh toán từ thị trường này. Trên thực tế Việt Nam nhập khẩu máy móc, linh kiện, phụ kiện... từ Trung Quốc để gia tăng đầu tư và xuất khẩu.

Ngược lại, Trung Quốc cũng nhập khẩu nhiều nông sản, nguyên liệu thô… từ Việt Nam để phục vụ cho mục đích tiêu dùng cũng như sản xuất. Đây là mối quan hệ bổ sung cho nhau giữa hai nền kinh tế và mối quan hệ này đã được duy trì hàng chục năm nay. Bởi vậy, khi xuất khẩu của Việt Nam gia tăng, nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng theo. Và khi sản xuất của Trung Quốc phát triển, nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam cũng sẽ được cải thiện. Với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ gần 5% vừa qua, các tính toán cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ tăng khoảng gần 5%. Tương đương 100 tỷ USD.

Câu hỏi đặt ra là: Trung Quốc lấy đâu ra nguồn lực để sản xuất lượng hàng hoá xuất khẩu tăng thêm này? Chắc chắn là phần lớn các nguồn lực sẽ được lấy từ bên trong nước. Nhưng Trung Quốc cũng phải nhập khẩu một phần nguồn lực đó từ các nước bên ngoài, trong đó có Việt Nam.

Nếu như chỉ 1% nguồn lực để sản xuất số lượng hàng hoá tăng thêm này được nhập khẩu từ Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng thêm hơn 1 tỷ USD. Con số này tương đương khoảng 7% giá trị hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2014. Các tính toán chi tiết hơn cho thấy, khi đồng nhân dân tệ giảm giá 1%, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng sẽ tăng thêm khoảng hơn 1%.

Trong tình thế hiện nay của Trung Quốc, theo dự báo, Trung Quốc sẽ phải tăng nhập khẩu năng lượng, khoáng sản và cả nông sản thực phẩm phục vụ cho sản xuất và dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm tới 10% kế hoạch, tương đương 5 tỷ USD trong năm nay. Và từ năm sau sẽ tăng mạnh hợn. 

Tất nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có tỷ giá giữa đồng JPY của Nhật Bản và đồng Euro so với đồng USD. Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với hàng hoá của Nhật Bản và châu Âu trên thị trường Trung Quốc vì hàng hóa của họ trở nên rẻ hơn nếu đồng USD tăng mạnh so với đồng tiền của họ. Dân Trung Quốc, thay vì mua các hàng hoá giá rẻ từ Việt Nam, có thể chuyển sang mua nhiều hàng hoá chất lượng cao từ các nước này.

Khả năng này khó xảy ra bởi chính sự phá giá của đồng nhân dân tệ kéo theo sự giảm giá của đồng USD, bởi chính hàng hóa Mỹ cũng buộc phải cạnh tranh trên thị trường với hàng hóa Trung Quốc. Rõ ràng, với việc Trung Quốc thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ vừa qua, chúng ta có thể kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng ở một mức độ nào đó, khi xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên trong thời gian tới. Dù sao, đối diện với một nền kinh tế lớn nhưng mong manh và thiếu trách nhiệm, chúng ta phải luôn trong tâm thế sẵn sàng tự thay đổi để phát triển.