Trung Quốc: Nhiều vợ chồng không muốn sinh 2 con

ANTD.VN - Dự tính, năm 2050, người già sẽ chiếm 23% dân số Trung Quốc, nghĩa là cứ 4 người sẽ có 1 người cao tuổi. Trước thực trạng này, Trung Quốc đã gỡ bỏ chính sách một con vào đầu năm nay, nhưng nhiều cặp vợ chồng lại không muốn có thêm con.

Chỉ 18% trên 11 triệu cặp vợ chồng ở Trung Quốc muốn sinh con thứ hai

70 năm thăng trầm “chính sách” sinh đẻ

Từ khi mới 5 tuổi, con trai của Hàn Tịnh đã bắt đầu tham gia các lớp học thêm tiếng Anh, toán và mỹ thuật. “Tôi không muốn con trai xấu hổ hay tự ti trong ngày đầu vào tiểu học” - Hàn Tịnh lo lắng khi lên lớp 1, con trai cô sẽ phải tiếp xúc với những bạn học nói trôi chảy tiếng Anh, biết hàng nghìn chữ tiếng Trung hoặc có thể chơi piano.

Và 3 năm sau, áp lực chi tiêu của gia đình Hàn Tịnh không ngừng tăng lên khi các lớp học thêm của con trai “ngốn” hơn 10.000 USD mỗi năm, trong khi chồng Hàn Tịnh kiếm được ít hơn 35.000 USD/năm.

Căn hộ của gia đình Hàn Tịnh cũng quá nhỏ nếu muốn sinh con thứ hai và chi phí để mua một căn lớn hơn tại Bắc Kinh thì vượt quá khả năng của họ. Tuy nhiên, tiền bạc không phải vấn đề duy nhất đang ngăn cản Hàn Tịnh sinh thêm con, mà theo cô, mọi thời gian và sức lực đã được hai vợ chồng dành để chăm lo cho con trai và giờ đây họ rất mệt mỏi. 

Theo tờ Washington Post, trong gần 7 thập niên qua, chính sách về kế hoạch hóa gia đình tại Trung Quốc đã có nhiều thay đổi. Năm 1949, cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng tuyên bố rằng, nhiều người dân sẽ làm cho đất nước thêm hùng mạnh. Hưởng ứng lời khuyến khích này, dân số Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với thời kỳ trước đó.

Nhưng tới năm 1979, Trung Quốc áp dụng quyết liệt chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con, khiến tỷ lệ sinh giảm mạnh. Hiện nay, dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng và đây sẽ một gánh nặng lớn cho nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới.

Theo dự tính, năm 2050, người già sẽ chiếm 23% dân số Trung Quốc, nghĩa là cứ 4 người sẽ có 1 người cao tuổi. Trước thực trạng này, Chính phủ Trung Quốc quyết định nới lỏng chính sách một con từ năm 2013 và gỡ bỏ chính sách này vào đầu năm nay. 

Nhiều tỉnh trên khắp Trung Quốc đã cho phép phụ nữ nghỉ thai sản lâu hơn, thông thường là thêm vài tháng nghỉ vào tiêu chuẩn cũ là 98 ngày. Tại vùng nông thôn, những khẩu hiệu khuyến khích sinh con thứ hai được treo ở các tòa nhà hay con đường. “Hãy luyện tập thân thể, rèn luyện sức khỏe, để sẵn sàng cho bé thứ hai” - nội dung một khẩu hiệu được đăng trên một diễn đàn trực tuyến.

Chỉ 18% cặp đôi muốn thêm con

Chính phủ Trung Quốc cho biết, tỷ lệ sinh đã tăng 6,9% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, với 800.000 ca sinh được ghi nhận. Thậm chí, truyền thông nước này còn dự báo “quả bom em bé” sẽ xảy ra tại Bắc Kinh trong năm 2016 sau khi các cặp vợ chồng được phép sinh con thứ hai. 

Tuy nhiên, ông Vương Phong thuộc Đại học California ở thành phố Irvine (Mỹ) cho rằng những báo cáo trên chưa chính xác. Việc tăng tỷ lệ sinh năm nay vẫn thấp hơn mục tiêu thêm 2,5 triệu ca sinh mà Chính phủ dự tính trong năm 2016. Theo ông Vương, một nghiên cứu gần đây chỉ ra, chỉ 18% trong số 11 triệu cặp vợ chồng đăng ký sinh con thứ hai kể từ khi Trung Quốc nới lỏng chính sách một con vào năm 2013. 

Hầu hết cặp vợ chồng ở Trung Quốc, đặc biệt là tại các thành phố đã quyết định không sinh con thêm do chi phí trong gia đình tăng nhanh. Ngoài ra, một số gia đình tôn trọng sự lựa chọn của con thứ nhất là không muốn có em.

Hơn nữa, tâm lý sinh một con có lẽ đã “ăn sâu” vào văn hóa và xã hội Trung Quốc.  Lý giải về tỷ lệ sinh giảm ở quốc gia này, ông Vương cho rằng, một trong những nguyên nhân là tình trạng di cư tới các thành phố lớn - nơi có áp lực kinh tế cao - để lao động và giới trẻ có xu hướng kết hôn muộn. 

 “Về trước mắt, Trung Quốc có thể tăng thêm dân số nhưng về dài hạn thì không chắc rằng tỷ lệ sinh sẽ cao hơn 1,5 con/đôi vợ chồng” - ông Vương dự báo. Trong khi đó, theo nghiên cứu trên, chính sách 2 con của Trung Quốc phải mất khoảng 20 năm nữa để đạt hiệu quả.