Trung Quốc nghiêm trị quan tham ngành đường sắt

ANTĐ - Đường sắt cao tốc ở Trung Quốc - một biểu tượng trong công cuộc hiện đại hóa của nước này có vẻ đang giống như một quả bom nổ chậm khi độ an toàn ở mức báo động, nhiều vụ tham nhũng quy mô lớn bị phanh phui. “Vấn đề tham nhũng trong ngành đường sắt xuất hiện từ ngay quá trình đấu thầu, đến từng phân đoạn trong tiến trình xây dựng, từ cá nhân đến  bộ máy” - Ông Triệu Kiên, giáo sư trường Đại học Giao thông Bắc Kinh nhận định.

Vụ tai nạn đường sắt cao tốc năm 2011 tại Ôn Châu được cho là hậu quả của những tiêu cực 
trong ngành đường sắt Trung Quốc

Tử hình nguyên Bộ trưởng 

Theo truyền thông Trung Quốc, vụ bê bối của Lưu Chí Quân, nguyên Bộ trưởng Đường sắt nước này dính líu đến số tiền tham nhũng 130 triệu USD. Ông này đã lợi dụng chức vụ giúp 11 người thăng quan tiến chức, giành được những hợp đồng dự án để đổi lấy 10,5 triệu USD tiền “cảm ơn” trong giai đoạn 1986-2011. Hành vi trái pháp luật của vị Bộ trưởng đường sắt này đã gây thất thoát lượng tiền của lớn của nhân dân và ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia. 

Vụ bê bối của Lưu Chí Quân bị phanh phui khi hai nhân vật có quan hệ làm ăn mật thiết với ông ta là Đinh Vũ Tâm hay còn gọi là Đinh Thư Miêu, Chủ tịch Tập đoàn quản lý đầu tư Bác Hựu Bắc Kinh và La Kim Bảo, từng là Phó Cục trưởng Cục Vận tải Bộ Đường sắt, bị điều tra vào đầu năm 2011. Trong đó, Đinh Thư Miêu bị bắt vì các hoạt động kinh doanh phi pháp và có hành vi đưa hối lộ. Mối quan hệ lợi ích giữa Đinh Thư Miêu và Lưu Chí Quân khá phức tạp. Nữ doanh nhân này không chỉ hối lộ Lưu Chí Quân tiền bạc mà cả gái đẹp, đổi lại Lưu Chí Quân “giúp” bà này và người thân mua cổ phần của công ty tàu cao tốc, và nhận được nhiều hợp đồng vận chuyển hàng hóa, trúng thầu các công trình xây dựng liên quan đến đường sắt cao tốc. Bắt tay với nhiều quan chức ngành đường sắt, Đinh Thư Miêu giúp 23 công ty trúng thầu hơn 50 công trình đường sắt cao tốc, số tiền kinh doanh phi pháp lên tới 178 tỷ NDT. 

Sáng 6-9-2013, Lưu Chí Quân bị Tòa án nhân dân Trung cấp số 2 ở Bắc Kinh tuyên án tử hình vì tội nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền.

Phó Cục trưởng “găm” 43kg vàng

Cuối tháng 12-2013, Mã Tuấn Phi, nguyên Phó cục trưởng Cục đường sắt thành phố Hồi Hột, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, đã bị tòa án trung cấp tỉnh Hà Bắc kết án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm, vì tội nhận hối lộ và sở hữu khối tài lớn không rõ nguồn gốc. Từ tháng 8-2009 đến 6-2011, Mã Tuấn Phi đã nhận hối lộ hơn 130 triệu NDT trong 269 lần. Theo tờ Sina, điều đau đầu nhất của quan tham này là tìm cách để cất trữ tiền. Tại nhà riêng của Mã Tuấn Phi ở thành phố Hồi Hột và Bắc Kinh, cơ quan điều tra thu giữ được 88 triệu NDT, 4,19 triệu USD, 300.000 euro, 2.000 bảng Anh, 270.000 HKD và 43,3kg vàng. 

Theo truyền thông Trung Quốc, trung bình cứ 2 ngày, Mã Tuấn Phi lại ăn hối lộ một lần. Một trong những “đối tác” chính thường hối lộ Mã Tuấn Phi là Triệu Vĩnh Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh than Thông Hối thuộc Tập đoàn Hối Năng ở Nội Mông. Từ tháng 9-2009, Triệu Vĩnh Minh từng cam kết với Mã Tuấn Phi mỗi tháng sẽ biếu ông này 50.000 USD để đổi lại việc được nhận nhiều hợp đồng đường sắt hơn. Trước khi hành vi hối lộ và nhận hối lộ này bị phát hiện khoảng 2 tháng, tháng 4-2011, công ty và cá nhân Triệu Vĩnh Minh đã “cung tiến” Mã Tuấn Phi cho khoảng 1 triệu USD.

Đổi tiền lấy việc

Sau các vụ bê bối trong ngành đường sắt, chính quyền Trung Quốc đã giải thể Bộ Đường sắt, tách thành Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc và Cục Đường sắt Quốc gia thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Trước đây, Bộ Đường sắt Trung Quốc quản lý gần 3 triệu người. Số lượng lao động tăng lên cùng sự phát triển nhanh chóng của ngành đường sắt cao tốc. Những năm trước, khi tốc độ tăng trưởng lên cao, dư luận đã xôn xao về việc mỗi suất vào làm việc ở Bộ này có “giá sàn” là 14.000 USD. Tờ Telegraph của Anh dẫn một nguồn tin từ chính Bộ này rằng, bỏ tiền mua việc làm đã trở thành luật riêng của ngành, tất nhiên là bất thành văn. 

Trong tháng 3-2011, dự án hệ thống đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải cũng bộc lộ rõ nhiều sai phạm. Trong đó bao gồm các hóa đơn giả mà hơn 10 công ty và các giám sát viên thiếu bằng cấp kỹ sư chuyên nghiệp tại một số công ty xây dựng đã khai khống là sử dụng vào việc mua vật liệu xây dựng. Ngoài ra các gói thầu thiết bị vệ sinh trên tàu đều có giá khá cao, lên đến hàng nghìn USD. Người nhận thầu cung cấp các thiết bị vệ sinh là bà Vương Hưng, vợ Giám đốc Vận tải Bộ Đường sắt Trương Thự Quang, người đã bị sa thải tháng 2-2011 vì tội nhận hối lộ. Tân Hoa Xã dẫn báo cáo do cơ quan kiểm toán Trung Quốc (NAO) công bố hôm 19-3-2012 cũng cho biết, sau quá trình kiểm toán thực hiện từ tháng 6 tới 9-2011, đã phát hiện 491 triệu NDT (tương đương 77,84 triệu USD) thuộc dự án đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải bị biển thủ. “Các đơn vị thi công tuyến đường đã đút túi 491 triệu NDT từ việc đền bù, giải phóng mặt bằng dự án này”. Ngoài ra, thất thoát trong quá trình mua nguyên vật liệu không thông qua đấu thầu hợp lệ lên tới 849 triệu NDT. 759 triệu NDT khác bị lãng phí khi thay đổi các chi tiết kỹ thuật kính chắn gió và yếu kém trong quản lý.